Các công ty Trung Quốc rớt thảm trong xếp hạng vốn hóa
Doanh nghiệp niêm yết đến từ các nền kinh tế mới nổi đang lần lượt biến mất khỏi hàng ngũ các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
- 21-02-2014Nhà giàu Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài
- 20-02-2014Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot“
- 20-02-2014Peugeot bán cổ phần cho Trung Quốc để tránh phá sản
- 08-02-2014Triệu phú Trung Quốc ồ ạt xin cư trú Canada
- 04-02-2014Nghề nữ vệ sĩ lên ngôi khi giới nhà giàu Trung Quốc bùng nổ
Theo tin từ Bloomberg, lần đầu tiên kể từ năm 2005, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất của các quốc gia đang phát triển là PetroChina góp mặt trong top 20 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Hiện PetroChina - tập đoàn dầu khí quốc doanh của Trung Quốc - đứng ở vị trí thứ 14 trong xếp hạng này, từ vị trí thứ 4 cách đây 1 năm.
Trong khi đó, một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa khổng lồ khác là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tụt xuống vị trí thứ 22 trong phiên giao dịch ngày 24/2 sau khi giá trị vốn hóa “bốc hơi” 38 tỷ USD. Theo số liệu của Market Watch, mức vốn hóa của ICBC tính đến ngày 25/2 là hơn 198 tỷ USD. Tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc là Samsung cũng tụt từ vị trí thứ 11 xuống vị trí 27 trong xếp hạng các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng của năm 2014, các nhà đầu tư đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi các quỹ tín thác (ETF) chứng khoán thị trường mới nổi, so với mức rút vốn ròng 8,8 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là lần đầu tiên các quỹ ETF chứng khoán thị trường mới nổi chứng kiến sự thoái vốn sau 1 thập kỷ thu hút tổng cộng hơn 110 tỷ USD - theo dữ liệu của Bloomberg.
Lợi thế về tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Năm 2013, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 4,5%, so với mức tăng 1,2% của các nền kinh tế mới nổi. Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, đây là mức chênh lệch tăng trưởng thấp nhất giữa hai nhóm kể từ năm 2002.
Trước sự rút vốn của khối ngoại, các nền kinh tế mới nổi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Ấn Độ đã phải tăng lãi suất để cứu tỷ giá đồng nội tệ, theo đó càng gây áp lực suy giảm tăng trưởng. Tiền đang chảy sang các thị trường Mỹ và châu Âu để tranh thủ sự phục hồi tăng trưởng tại đây.
Cách đây 6 năm, có tới 8 công ty thuộc các nền kinh tế mới nổi góp mặt trong nhóm 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Hiện nay, duy nhất chỉ còn PetroChina.
Giá trị vốn hóa của PetroChina vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2007. Từ đó đến nay, mức vốn hóa này đã hao hụt chừng 80%, còn khoảng 221 tỷ USD.
Vào năm 2007, hãng dầu lửa khổng lồ OAO Gazprom của Nga dự báo sẽ đạt mức vốn hóa 1 nghìn tỷ ngang ngửa như PetroChina vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, mức vốn hóa của Gazprom co cụm còn dưới 100 tỷ USD.
Sự sa sút về tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi càng trở nên rõ nét hơn trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói nới lỏng QE3, thúc đẩy giới đầu tư rút tiền về Mỹ. Thị trường tiền tệ của các nền kinh tế có thâm hụt cán cân vãng lai càng biến động mạnh. Cùng với đó, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng che mờ triển vọng tăng trưởng của các quốc gia dựa vào xuất khẩu nguyên vật liệu thô.
Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã suy giảm 5,3% trong năm nay, sau khi đồng Lira rớt giá xuống mức thấp kỷ lục vào tháng trước. Chỉ số Hang Seng của Trung Quốc giảm 9,4%. Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đang ở gần ngưỡng cao kỷ lục do các nhà đầu tư tin rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ đủ mạnh để vượt qua việc FED cắt QE3.
Hiện 5 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thế giới đều là các công ty Mỹ, dẫn đầu là hãng công nghệ Apple với mức vốn hóa gần 471 tỷ USD, tiếp theo là tập đoàn dầu lửa Exxon Mobil, các hãng công nghệ Google và Microsoft, và tập đoàn đa ngành Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.
Theo Diệp Vũ