Các tỷ phú Nga: Thà hy sinh quyền lực chính trị chứ không chịu mất tài sản
Chỉ còn một tháng trước khi lệnh cấm quan chức sở hữu tài sản ở nước ngoài có hiệu lực ngày 18-8 tới đây, nhiều chính trị gia giàu có ở Nga đã lựa chọn con đường rời bỏ quyền lực.
“Họ phải chọn giữa sự nghiệp, tài sản nước ngoài hoặc là sự trung thành tuyệt đối với chế độ mới” - nhà phân tích chính trị Pavel Salin nhận định. Nhưng có vẻ nhiều thượng nghị sĩ Nga không muốn bỏ cơ ngơi tích cóp được bấy lâu.
Đến tuần trước, chín thượng nghị sĩ trong số 166 vị của Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) quyền lực đã đệ đơn từ chức. Năm trong số đó được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những người giàu nhất nước Nga. Các chính trị gia giàu có này không nêu rõ nguyên do ra đi vì liên quan đến đạo luật chống tham nhũng do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất hồi tháng 12-2012 và ký ban hành vào tháng 5-2013. Tuy nhiên các đồng nghiệp của họ, cũng như các chuyên gia, đều cho rằng họ thà hi sinh quyền lực chính trị hơn là tài sản.
Từ chức để giữ tiền
“Nếu một người chọn phục vụ quốc gia, anh ta phải có sự chuẩn bị cho những điều cấm đoán này, cho sự giám sát của công chúng và phải đáp ứng những yêu cầu đặc biệt, bởi đó đã là quy chuẩn ở tất cả các quốc gia. Làm sao có thể tin vào một công chức hoặc chính trị gia luôn khoa trương về điều gì thì tốt cho nước Nga nhưng lại tìm cách tuồn tiền, quỹ của ông ta ra nước ngoài? Tôi kêu gọi mọi người ủng hộ các đề xuất luật để hạn chế quyền của các công chức và chính trị gia có tài sản, cổ phiếu, chứng khoán ở nước ngoài” - Tổng thống Vladimir Putin nói trong bài phát biểu về tình hình quốc gia vào tháng 12-2012. |
Trong ngày cuối cùng (10-7) của phiên làm việc mùa xuân của Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện), đơn từ chức của chính trị gia Dmitry Ananiev đã được thông qua, theo RIA Novosti.
Ông Ananiev và anh trai là chủ sở hữu Promsvyazbank - ngân hàng tư nhân lớn thứ hai của Nga. Trên bảng xếp hạng của Forbes, tài sản của anh em nhà Ananiev trị giá hơn 3,4 tỉ USD.
Nhưng ông Ananiev không phải là tỉ phú duy nhất từ chức kể từ khi ông Putin yêu cầu quan chức không sở hữu tài khoản và tài sản ở nước ngoài.
Những người trước đó đã ra đi gồm có Andrei Guriev - ông chủ Công ty phân bón Phosagro, người nắm trong tay khoảng 4 tỉ USD; ông Andrei Molchanov - chủ một công ty xây dựng với 1,6 tỉ USD; nhà đầu tư Nikolai Olshansky, Vitaly Malkin.
Chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko cho biết làn sóng từ chức sẽ chưa dừng lại với thêm hai thượng nghị sĩ nữa, đều nằm trong nhóm 200 người giàu nhất nước Nga, có thể sẽ rút lui trong mùa thu này. Danh tính hai chính trị gia này chưa được xác định.
Không chỉ có thượng viện, Duma Nga (hạ viện) hồi tháng 2-2013, thời điểm đạo luật được đưa ra thảo luận, cũng đã chấp nhận đơn từ chức của tỉ phú Anatoly Lomakhin chỉ sáu tháng sau khi ông được bầu. Hay tháng trước, tỉ phú Roman Abramovich cũng tự nguyện từ chức lãnh đạo khu tự trị Chukotka.
Trong tám năm nắm giữ chức vụ này, các công ty của ông Abramovich đã góp phần không nhỏ đưa nguồn tài chính chảy về Chukotka bằng các dự án đầu tư, dự án từ thiện, đóng góp thuế. Sự ra đi của ông khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của cả khu vực này.
Có nhiều lý do được đưa ra như vì sức khỏe kém, nhường chỗ cho người mới, muốn dành nhiều thời gian cho công việc... nhưng dường như người ngoài cuộc đều rõ nguyên nhân thật sự. “Tại sao họ lại phải thừa nhận? Đó là điều hoàn toàn bình thường khi giữ bộ mặt vui vẻ trong thời điểm khó khăn và từ chức mà không cần nói gì dư thừa” - nhà phân tích chính trị Pavel Svyatenkov bình luận.
Nhưng ngược lại, tỉ phú Suleiman Kerimov mới đây đã chuyển tài sản của mình vào một quỹ từ thiện ở Thụy Sĩ để có thể tiếp tục giữ chiếc ghế trong thượng viện. Tuy nhiên không rõ ông chuyển bao nhiêu phần trong khối tài sản 7,1 tỉ USD của ông. Còn Phó thủ tướng Igor Shuvalov, chính trị gia thu nhập cao nhất trong chính phủ, chọn cách thu gom tài sản về nước.
Cả hai đều bất lợi
Đạo luật chính thức có hiệu lực trong một tháng nữa sẽ cấm các quan chức chính phủ liên bang lẫn khu vực, thẩm phán liên bang, giám đốc điều hành các tập đoàn nhà nước, thống đốc các khu vực... và cả tổng thống có tài khoản hoặc chứng khoán ở nước ngoài. Dù điện Kremlin khẳng định đây là biện pháp chống tham nhũng, giới quan sát cho rằng ông Putin đang “quốc hữu hóa” các nhân vật ưu tú khi trói chặt các chính trị gia vào nước Nga nhằm củng cố quyền lực.
Theo các nhà phân tích, sự ra đi của các chính trị gia đồng nghĩa họ sẽ mất đi quyền được miễn truy tố. “Đối với một người giàu thì một vị trí trong chính phủ còn hơn cả cơ hội để vận động hành lang. Bởi tiền chỉ có thể mua chuộc được các quan chức nhưng vị trí đó đảm bảo họ không bị các quan chức hoặc những đối thủ cạnh tranh hãm hại” - ông Salin giải thích.
Ngược lại, chính phủ cũng mất đi những thành viên khó thay thế. Sự ra đi của những doanh nhân thành công sẽ khiến chính phủ mất mát nhiều khả năng chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. “Thật không may là càng ngày càng ít đi các chuyên gia trong chính phủ có thể hiểu được sự phức tạp của các thị trường tài chính” - cựu thứ trưởng tài chính Alexei Savatyugin nhận định. Ngoài ra, theo tờ Moscow Times, việc cấm đoán sẽ không có công dụng mạnh như lời chính phủ nói bởi các quan chức sẽ nghĩ ra nhiều biện pháp bí mật khác để tuồn tài sản ra nước ngoài.
Theo Trần Phương