MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện 'bia Sài Gòn ở Kỳ Anh' dưới góc nhìn kinh tế học

29-08-2014 - 07:31 AM |

Dưới góc nhìn kinh tế học, câu chuyện “bia Sài Gòn ở Kỳ Anh” ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nên được hiểu thế nào?...

Chủ tịch huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng, mới đây đã ký một công văn theo đó yêu cầu “trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh”.

Công văn cũng yêu cầu chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor… nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh.

Ông Bổng sau đó giải thích rằng việc ký văn bản này không phải là “tự ý” mà là “thực hiện theo đề án của UBND tỉnh Hà Tĩnh về phát triển thương mại dịch vụ và chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh đến năm 2020”.

Thoạt tiên, văn bản này dường như không đáng bị phê phán. Trong bối cảnh cả nước đang có “cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các doanh nghiệp trong nước đều đang gặp khó khăn, hàng tồn kho nhiều, ý tưởng này đầy ý nghĩa tích cực.

Chưa kể, việc tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương “ưu tiên dùng hàng nội tỉnh”, trong đó các sản phẩm bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim được coi là “nội tỉnh” vì được sản xuất ngay chính trên đất Hà Tĩnh, cũng là một điều dễ được cảm thông.

Tuy nhiên, có lẽ ông Bổng và các quan chức Hà Tĩnh đã khá “hồn nhiên” khi ký vào những văn bản dạng này, mà cả trên khía cạnh kinh tế lẫn pháp lý đều không phù hợp.

Năm 2010, khi tham dự một hội nghị kinh tế tại Hà Tĩnh, một vị Phó thủ tướng có chút không vui khi được mời uống nước La Vie. Ông khéo léo nhắc nhở bên lề, đại ý rằng vì sự kiện làm tại Hà Tĩnh, tỉnh nên dùng nước khoáng Sơn Kim, vừa tiết kiệm khi mỗi chai nước có thể góp lại chút ít cho ngân sách, vừa là dịp để quảng bá sản phẩm này với các đại biểu từ nhiều tỉnh thành khác.

Thời điểm đó, dù đánh giá cao cách nghĩ của Phó thủ tướng, một chuyên gia kinh tế nói với người viết rằng: “Phó thủ tướng nói bên lề thì được, nhưng nếu ông ký một văn bản, theo đó nói rằng “đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh từ nay phải dùng nước khoáng Sơn Kim” trong các hội nghị thì chuyện sẽ trở nên rắc rối”.

Nếu muốn diễn đạt ý đó dưới dạng văn bản, ông chỉ cần đề nghị tỉnh Hà Tĩnh dùng nước khoáng “sản xuất trên địa bàn tỉnh”, hoặc “sản xuất nội địa” là đủ.

Chính khách là một đại diện của dân chúng, và một khi về lý luận thì chúng ta đang hướng tới “kinh tế thị trường”, về thực tiễn thì ta đang hướng tới các chuẩn mực quốc tế về tự do và cạnh tranh đầy đủ, thì bất kỳ một chỉ đạo hành chính nào liên quan đến kinh tế, liên quan đến một doanh nghiệp cụ thể đều hàm chứa “rủi ro đạo đức”.

Bởi vì quyết định của ông Chủ tịch huyện có thể đưa tới việc tăng doanh số và lợi nhuận cho bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim, người dân có quyền nghi ngờ rằng việc đó có dấu hiệu của vụ lợi, của một “nhóm lợi ích” nào đó. Trong khi, nếu công văn ghi chung chung là “yêu cầu dùng bia và đồ uống sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh”, sẽ chẳng ai có thể trách ông được.

Hai năm qua, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành một chương trình vận động các tập đoàn, tổng công ty trong ngành công thương phải “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”. Về mặt lý thuyết, chủ trương này sẽ mở đường cho việc Vinatex bán quần áo cho Petro Vietnam, trong khi lại mua xơ sợi của nhà máy xơ sợi Đình Vũ thuộc Petro Vietnam.

Vinatex có thể đã bán quần áo giá rẻ hơn mặt bằng thị trường, trong khi mua xơ sợi đắt hơn nhập khẩu, những việc mà xét trên khía cạnh kinh tế là không phù hợp, nhưng vì Bộ đã khéo léo “vận động chung chung” nên cũng chẳng ai có thể bắt bẻ gì.

Hình ảnh chính khách là rất nhạy cảm. Hồi tháng 4/2014, Nhà Trắng từng lên tiếng phản đối hãng điện tử Hàn Quốc Samsung dùng tấm ảnh “tự sướng” mà cầu thủ bóng chày David Ortiz chụp với Tổng thống Barack Obama để quảng cáo.

Trước đó, vào năm 2010, Nhà Trắng cũng đã từng yêu cầu công ty thời trang Weatherproof Garment gỡ một tấm biển quảng cáo ngoài trời trên quảng trường Thời đại ở New York có hình ảnh của ông Obama.

Xuất hiện một cách hoàn toàn vô tình và không có lợi ích gì liên quan mà còn phức tạp như vậy, nên việc lấy vai trò chính khách dù lớn hay nhỏ để bênh vực một sản phẩm hay doanh nghiệp cụ thể là một lựa chọn thiếu khôn ngoan, cho dù phép so sánh Obama với Chủ tịch huyện Kỳ Anh có thể bị coi là khập khiễng.

Chưa kể, nếu có đủ các số liệu để chứng minh, các hãng bia khác như Huda hay Habeco hoàn toàn có thể đem các quy định trong một văn bản đầy tính hiện đại và hội nhập là Luật Cạnh tranh ra để soi chiếu, từ đó yêu cầu ông Chủ tịch huyện Kỳ Anh phải rút lại văn bản không hợp lý này, vì có thể đã ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Sự mẫn cán, nếu cần được chứng minh, có lẽ xin dành cho một công việc khác: ông Chủ tịch huyện nên nhắc nhở mình và các công chức... bớt uống bia để có thời gian quan tâm nhiều hơn đến từng khó khăn vướng mắc của mọi doanh nghiệp, trong đó có các khánh sạn, nhà hàng, quán bia... trên địa bàn, để họ có thể kinh doanh tốt hơn, qua đó đóng góp cho ngân sách địa phương nhiều hơn nữa!

>> [Infographic] Đâu là nơi bán bia rẻ nhất, đắt nhất thế giới?

Theo Hoàng Anh Minh

anhnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên