'Chủ đầu tư 'buôn dự án' sẽ 'né'... mua bảo hiểm'
Đó là nhận định của ông Vũ Tuấn Định, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội xung quanh việc xây dựng quỹ bảo hiểm hợp đồng mua nhà mà Bộ Xây dựng đề xuất.
Tiền mua bảo hiểm có phải tiền đặt cọc?!
Trao đổi với PV, ông Vũ Tuấn Định, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch và
Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Trước khi đề xuất lập quỹ bảo hiểm mua bán
nhà không lâu, Bộ Xây dựng cũng đưa ra một chính sách gây nhiều tranh
cãi. Đó là điều kiện để công chức được mua nhà thu nhập thấp lương phải
đạt 18 triệu đồng/tháng trở lên.
Đây là những chính sách rất bất hợp lý. Bởi vì, nếu một gia đình mà hai vợ chồng đạt gần 20 triệu đồng/tháng thì không còn gọi là thu nhập thấp nữa. Cá nhân tôi, lương của phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cũng chỉ 6 triệu đồng/tháng. Vậy, thử hỏi một công chức bình thường thì thu nhập của họ được bao nhiêu? Vì vậy, cái ý tưởng mà bộ Xây dựng "đẻ" ra sẽ không giải quyết được những khó khăn cho ngành bất động sản và của người thực sự có nhu cầu mua nhà.
Về vấn đề lập quỹ bảo hiểm mua bán nhà, đây là một ý tưởng không mới, Bộ Xây dựng đưa ra nhằm giúp người mua nhà tránh được rủi ro. Tuy nhiên, tính khả thi của nó không cao. Bởi vì, khi một nhà thầu làm hợp đồng mua bán với khách hàng đã có cơ quan chức năng đứng ra giải quyết khi có tranh chấp hoặc bất đồng không thể giải quyết nội bộ được. Trong bản hợp đồng đó có quy định, những điều khoản cụ thể mà được pháp luật bảo hộ. Chính vì vậy, bên nào vi phạm sẽ bị coi là phá hợp đồng và phải bồi thường cho bên kia, cần gì phải quỹ bảo hiểm nữa?
Hơn nữa, đại diện Bộ Xây dựng có nói rằng, với quỹ bảo hiểm này, các doanh nghiệp chỉ xây dựng khi bán nhà hình thành trong tương lai. Trường hợp sai tiến độ, sai mục đích thì người mua nhà sẽ được hưởng bảo hiểm. Tuy nhiên, ai biết được rằng, số tiền mà chủ đầu tư bỏ ra để mua bảo hiểm có phải là tiền của người dân đem ra để đặt cọc tiền nhà. Liệu, chủ đầu tư có thu giá cao hơn để bù vào số tiền mua bảo hiểm không?. "Theo quan điểm của tôi, Bộ Xây dựng không đưa ra quy định và hướng áp dụng cụ thể thì có rất nhiều điểm bất hợp lý mà bất cứ ai cũng có thể nhìn ra. Khi đưa ra một chính sách, người ta phải nhìn thấy được tính hiệu quả của nó đến đâu và khó khăn ở điểm nào. Chúng ta không nên đề xuất, đưa ra đã thấy sai phải sửa đổi thì sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền của", ông Định nói.
Lập quỹ không trị được "căn bệnh" của chủ đầu tư
Theo nhận định của ông Vũ Tuấn Định, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng
chủ đầu tư huy động vốn trong dân, làm hợp đồng khi công trình mới hoàn
thành xong phần móng. Sau đó, họ lấy số tiền huy động bán nhà trên giấy
cho dân ở công trình này để đầu tư vào chỗ khác, rồi không thi công theo
đúng tiến độ... Nhiều người dân lao đao, phải sống cảnh ở tạm bợ vì đã
đóng tiền mà đợi hàng năm trời không thấy động tĩnh gì từ nhà đầu tư.
Thậm chí, có nhiều gia đình, đặt niềm tin tuyệt đối vào tiến độ của chủ đầu tư mà phải thuê nhà ở tạm. Về vấn đề này, khách hàng có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý hoặc đưa ra tòa án dân sự. Lúc này, tòa sẽ xem xét các yếu tố khiến chủ đầu tư chậm tiến độ. Nếu không có lý do thích hợp, nhà đầu tư sẽ bị phạt và bắt buộc bồi thường cho người dân. Ngược lại, khi công trình đã hoàn thành mà người dân đã đăng ký, đặt tiền cọc trước không đủ kinh phí để hoàn thành số nợ thì sẽ bị nhà đầu tư tính lãi theo lãi suất ngân hàng.
Cũng theo ông Định, việc lập quỹ bảo hiểm sẽ không giải quyết được nhiều đối với tình trạng các nhà xây dựng chậm tiến độ. Bởi vì lâu nay, việc chậm tiến độ, công trình đang xây dựng dang dở biến thành bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm đã trở nên quá quen thuộc và là "căn bệnh" cố hữu đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án bị chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, chứ không phải họ cố tình "chây ỳ" để lấy tiền làm việc khác. Rất nhiều lần, bộ Xây dựng đưa ra những ý tưởng, đề xuất mà không có chính sách cụ thể để người dân và chủ đầu tư không thể hiểu, áp dụng có hiệu quả. "Như tôi đã nói, không chỉ trong việc lập quỹ bảo hiểm mà trong gói 30.000 tỷ đồng kích cầu bất động sản mới đây cũng vậy. Bộ Xây dựng là người "đẻ" ra cái ý tưởng đó nhưng việc triển khai rất khó. Có thể nói những chính sách nửa vời, suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn sẽ không thể mang lại hiệu quả", ông Định quả quyết.
Thực ra, quỹ bảo hiểm mua nhà chỉ xảy ra đối với những chủ xây dựng và người mua thực sự. Còn đối với chủ xây dựng "buôn dự án" thì họ chắc chắn sẽ không tham gia. Tương tự, những người chuyên bán sang tên, mua kiểu đầu cơ thì họ chắc chắn sẽ không mua bảo hiểm. Bởi vì, khi họ mua nhà của chủ đầu tư, biết đâu họ lại bán ngay sau đó. Có thể căn nhà đó chưa được hoàn thiện nhưng đã trải qua hàng chục đời chủ. Vì vậy, người chủ đầu tiên sẽ không dại gì mà mua bảo hiểm để mất một khoản chi phí không nhỏ.
Theo Chương Giang