MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chùn chân kinh doanh bất động sản sau ngày 1/7/2015?

Theo dự thảo Luật kinh doanh BĐS 2014, Luật đầu tư 2014 hàng loạt các loại phí dự kiến sẽ đánh vào các doanh nghiệp địa ốc kể từ 1/7/2015.

Tóm tắt

- Luật Kinh doanh bất động sản 2014 yêu cầu doanh nghiệp BĐS cũng phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng và doanh nghiệp địa ốc phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở.

- Luật đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) cũng quy định doanh nghiệp BĐS phải ký quỹ thực hiện dự án BĐS

- Thị trường bất động sản trong mấy năm gần đây bộc lộ những điểm yếu do những lỗ hổng pháp lý nên những luật mới ra đời nhằm cố gắng “bít” lại các lỗ hổng này. Thế nhưng, với những quy định trên, nhiều chuyên gia cho rằng đang làm khó cho doanh nghiệp BĐS.


Từ 1/7/2015, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có một số nội dung mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, có quy định doanh nghiệp BĐS cũng phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng và doanh nghiệp địa ốc phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, Điều 56 của Luật quy định, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Trường hợp không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Khoản 1 điều 10 Luật kinh doanh BĐS 2014 cũng quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng điều kiện có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng.

Thêm vào đó, khoản 1, điều 80 của Luật lại quy định hồi tố, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng điều kiện 20 tỉ đồng vốn pháp định thì phải bổ sung đủ điều kiện này trong thời hạn một năm kể từ ngày 1-7-2015. Cụ thể, tất cả các doanh nghiệp được thành lập sau ngày 9-11-2007(1) thì phải bổ sung vốn pháp định thêm 14 tỉ đồng, các doanh nghiệp được thành lập trước đó phải đăng ký vốn pháp định là 20 tỉ đồng.

Thêm một “rào cản” đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là doanh nghiệp phải ký quỹ. Cụ thể điều 42 Luật đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) cũng quy định doanh nghiệp BĐS phải ký quỹ thực hiện dự án BĐS và tiền bão lãnh cho người mua nhà để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1-3% vốn đầu tư của dự án. Khoản ký quỹ này được hoàn trả cho nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Như vậy, sau ngày 1/7/2015, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 20 tỉ đồng, doanh nghiệp BĐS cũng phải tìm ngân hàng bảo lãnh cho dự án đồng thời phải có khoản tiền ký quỹ từ 1-3% vốn đầu tư dự án.

Thị trường bất động sản trong mấy năm gần đây bộc lộ những điểm yếu do những lỗ hổng pháp lý nên những luật mới ra đời nhằm cố gắng “bít” lại các lỗ hổng này. Thế nhưng, với những quy định trên, nhiều chuyên gia cho rằng đang làm khó cho doanh nghiệp BĐS.

Mộc Lan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên