Chuyện cược ghế và nỗi "oan" của nhà thầu làm cầu cạn
"Việc thưởng cho nhà thầu thi công vượt tiến độ, bù đắp chi phí nhà thầu đã bỏ ra là đúng quy định, hoàn toàn công bằng và tạo ra văn hóa mới trong quan hệ hợp đồng giữa các bên”.
Ông Đỗ Quang Minh Giám đốc điều hành dự án cầu cạn Vành đai 3 giai đoạn 2 cho hay.
Đã gần một năm rưỡi từ ngày gần 9km cầu cạn đường Vành đai 3 Hà Nội thông xe đưa vào khai thác, nhưng dư âm và những bài học từ dự án này vẫn còn nóng hổi đối với các đơn vị thi công nói riêng và những người gắn bó với lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nói chung...
Không sợ mất chức...
Ngày 21/10/2012, toàn tuyến cầu cạn trên cao đầu tiên của cả nước xây dựng giữa lòng Thủ đô được thông xe và đưa vào khai thác với tiến độ kỷ lục. Cả 3 gói thầu đều vượt xa thời hạn từ 5 - 15 tháng trước sự ngỡ ngàng của dư luận.
Trước đó, việc chậm tiến độ, không hoàn thành đúng kế hoạch đã trở thành “bệnh nan y” của các công trình xây dựng giao thông. Chẳng nói đến chuyện vượt, mà chỉ cán đích đúng hạn đã là của hiếm. Vì thế, việc cầu cạn Vành đai 3 hoàn thành sớm cả năm trời rõ ràng là “hiện tượng lạ” khơi gợi sự tò mò của rất nhiều người.
Để lý giải cho điều này, phải quay lại thời điểm năm 2010, giai đoạn dự án mới bắt đầu khởi động. Lúc này, công trình cũng đang ì ạch và chậm chạp như bao dự án giao thông trước đó. Đây cũng là thời điểm Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành GTVT. Trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án, với tính cách quyết liệt, xử lý trực diện từng người, từng việc, người đứng đầu ngành GTVT ngay lập tức bày tỏ sự không hài lòng về tiến độ triển khai dự án đồng thời và truy đến cùng nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, từ chủ đầu tư đến các nhà thầu thi công.
Ngay trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án, chẳng rõ do bối rối trước sự truy vấn của Bộ trưởng, hay do máu yêng hùng bột phát mà hai ông Tổng Giám đốc của các Cienco lớn đứng phắt dậy, mang ngay chiếc ghế Tổng giám đốc của mình ra đánh cược với người đứng đầu ngành GTVT nếu cầu cạn không hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng.
Giờ đây, khi được hỏi lại lý do “đánh liều” cược chức có một không hai này, ông Phan Quốc Hiếu - Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long vẫn khẳng khái: “Tôi đâu sợ mất chức, chỉ lo không giữ được lời hứa, mất danh dự của các nhà thầu giao thông mà thôi. Khi tôi đứng dậy hứa, anh Thanh (ông Vũ Hải Thanh, khi đó còn là Tổng giám đốc CIENCO8) cũng đồng tình và mang luôn ghế Tổng giám đốc đánh cược cùng bộ trưởng”.
Tuy nhiên, chúng tôi không hứa liều, hứa suông mà hoàn toàn có cơ sở. Trước đó, việc ứng thêm vốn, nhất là tại các dự án ODA khó hơn leo cột mỡ, bởi những cơ chế có phần rập khuôn, cứng nhắc của chủ đầu tư và nhà tài trợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thuyết phục được JICA ứng thêm từ 10 - 20%. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đồng ý cơ chế thưởng tiến độ cho nhà thầu để bù đắp chi phí huy động thêm nhân lực, máy móc. Đây là điều kiện không thể tốt hơn để nhà thầu cắt cử “quân” làm ngày, làm đêm và cuối cùng đã thắng cược.
Công nhân CIENCO 4 thi công đường Vành đai 3 |
Mỗi tuần cuốc bộ 9km rà tiến độ
Nhớ về những ngày xây dựng cầu cạn, ông Vũ Xuân Hòa - Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long vẫn chưa hết lâng lâng niềm hạnh phúc và tự hào khi công trình do đơn vị mình quản lý về đích với tiến độ kỷ lục. Tuy nhiên, để có được điều đó không phải chuyện ngẫu nhiên mà là bao mồ hôi, công sức của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên, của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn quần quật 3 ca liên tục trên công trường. Thậm chí cả trong những ngày Tết Nguyên đán, công nhân cũng không được nghỉ.
“Tết phải xa nhà, xa gia đình thì buồn vô cùng. Không ít anh em cán bộ, công nhân rất tâm trạng khi được thông báo phải làm thông Tết. Tuy nhiên, ngay sáng mùng 1 Tết Nhâm Thìn (2010), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến tận công trường chúc Tết, động viên và lì xì cho cán bộ, công nhân viên đang thi công khiến mọi người phấn chấn hẳn lên. Sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Bộ làm cho khí thế công trường tăng cao, ai cũng muốn dốc sức, tận lực thi công để sớm hoàn thành công trình” - ông Hòa kể.
Sự kỳ vọng lớn của lãnh đạo Bộ và toàn ngành GTVT đã gây áp lực không nhỏ cho những người triển khai dự án. Ngày đó, không tuần nào ông Hòa không đi bộ suốt chiều dài gần 9km cầu cạn để kiểm tra, đốc thúc từng gói thầu, hạng mục thi công. Khi đó, dù ông Hòa đã ở tuổi ngoài ngũ tuần, nhưng nhiều anh em thanh niên vẫn theo không nổi, cuốc bộ được vài cây số đã thở hồng hộc, mỏi rã rời. Không chỉ ông Hòa, ngày đó lãnh đạo các nhà thầu như: Tổng giám đốc CIENCO 4 Phạm Quang Vinh, sau này là ông Lê Ngọc Hoa; Tổng giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long Phan Quốc Hiếu; Tổng Giám đốc CIENCO8 Vũ Hải Thanh và lãnh đạo các nhà thầu nước ngoài như Sumitomo, Samwhan… dù phải lo đốc thúc tiến độ hàng chục dự án, công trình khác vẫn đều đặn có mặt mỗi tuần vài lần để kiểm tra, rà soát và chỉ đạo thi công dự án cầu cạn này. Đây là những tiền đề để dự án về đích vượt xa tiến độ sau này.
“Oan” cho nhà thầu
Việc cầu cạn Vành đai 3 về đích vượt tiến độ kỷ lục, đưa vào khai thác sớm mang lại những lợi ích khó đong đếm hết được. Ngoài lợi ích về KT - XH tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tránh ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí tư vấn giám sát, dự án còn không bị phát sinh trượt giá do kéo dài thời gian thi công. Sau khi dự án hoàn thành, Ban QLDA Thăng Long đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt khoản tiền thưởng trị giá hơn 179 tỷ đồng cho các nhà thầu.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, lãnh đạo các nhà thầu đều lên tiếng kêu… “oan”. Bởi số tiền trên còn có phần bù đắp chi phí cho nhà thầu chứ không phải đơn thuần là thưởng.
Chia sẻ với PV xung quanh số tiền thưởng này, ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, để gói thầu của Samwhan - Cienco4 về đích vượt tiến độ 9 tháng, nhà thầu đã vắt sức trong hàng năm trời với rất nhiều chi phí. Tính sơ bộ đã quá nửa giá trị số tiền thưởng được đề xuất.
Ông Phan Quốc Hiếu, người dám đánh cược ghế Tổng giám đốc ngày nào cũng nói: “Riêng việc tăng thêm một bãi đúc dầm, phải thuê mặt bằng, Tổng công ty đã phải bỏ ra cả chục tỷ đồng. “Tổng số tiền mà Tổng công ty bỏ ra để tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để công trình về đích sớm cũng ngót nghét 30 tỷ đồng. Nhưng chúng tôi cũng chỉ đề nghị cả thưởng và bù đắp chi phí ở mức 30 - 40 tỷ đồng”- ông Hiếu cho biết.
Về cách tính thưởng tiến độ cho các nhà thầu, ông Đỗ Quang Minh - Giám đốc Điều hành dự án cầu cạn Vành đai 3 giai đoạn 2 cho biết, chủ đầu tư và các nhà thầu đã tính toán hết sức kỹ lưỡng và xin ý kiến của tất cả các cơ quan có liên quan. Thời gian qua, dư luận và một số cơ quan báo chí cho rằng đây là cách tính thưởng mới. Thực ra, việc này đã được quy định rất rõ trong luật và áp dụng cho tất cả các dự án hạ tầng giao thông. Theo quy định về thưởng, phạt hợp đồng, mức thưởng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng làm lợi. “Có thể do trước đây, việc các công trình vượt xa tiến độ như cầu cạn Vành đai 3 gần như chưa có nên cách tính thưởng này vẫn “lạ” với nhiều người” - ông Minh nói.
Dự án xây dựng cầu cạn Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (giai đoạn 2) được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010 với tổng chiều dài khoảng 8.912m, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt.Tổng mức đầu tư lên tới 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, gói số 1 Mai Dịch - Trung Hòa do Liên danh Samwhan - CIENCO4 thi công. Gói số 2 Trung Hòa - Thanh Xuân do Sumitomo Mitsui đảm nhiệm. Còn gói số 3 Thanh Xuân - Bắc hồ Linh đàm do 3 nhà thầu Tổng công ty XD Thăng Long, CIENCO 4, 8 triển khai. |