MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ cấu khôn khéo, lãnh đạo Masan giảm được hơn 500 tỷ thuế thu nhập

04-07-2013 - 08:34 AM |

Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp đã tiến hành hoặc dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo, nhân viên của công ty như: FPT, SBT, ITA, MPC, SSI...Chúng tôi phân tích vấn đề thuế thu nhập cá nhân của người hưởng ESOP nhìn từ trường hợp của Masan (MSN).

Thưởng hơn 1.500 tỷ cho lãnh đạo chủ chốt

Thứ ba tuần này là ngày chính thức giao dịch của 17,86 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của CTCP Tập đoàn Ma San (MSN).

Giá phát hành mỗi cổ phiếu là 10.000 VNĐ/cp, bằng một phần mười so với thị giá MSN tại phiên đóng cửa gần nhất (95.000 VNĐ/cp). Như vậy, sau khi bỏ gần 180 tỷ đồng ra mua cổ phiếu, nếu các lãnh đạo chủ chốt của Masan có thể hiện thực hóa lợi nhuận ở mức giá hiện tại, họ sẽ thu về gần 1.700 tỷ đồng tiền mặt, tức lãi hơn 1.500 tỷ.

Phải nói luôn, phát hành cổ phiếu hoặc quyền chọn cho nhân viên có thành tích xuất sắc là biện pháp thưởng công được sử dụng phổ biến trên thế giới. Từ Google, Facebook, Microsoft, Apple đến Goldman Sachs, JP Morgan, cổ phiếu thưởng luôn là cấu phần lớn nhất trong gói lương thưởng của các lãnh đạo cao cấp.

Cái lợi trước nhất của hình thức này là gắn chặt lợi ích của người nhận thưởng với lợi ích của công ty. Nếu kinh doanh tốt, lợi nhuận cải thiện và giá cổ phiếu tăng cao, nhân viên (đồng thời cũng là cổ đông) lãi to. Ngược lại, công ty đi xuống là tài sản nhân viên tự động bốc hơi, chẳng cần cắt lương trừ thưởng hay yêu cầu nộp phạt.

Bên cạnh đó, công ty không phải trả thưởng bằng tiền mặt. Đặc điểm này làm người ta nhớ đến lần Masan mua lại mỏ Núi Pháo từ Dragon Capital với giá trị ước tính khoảng 250 triệu USD không dùng đến một đồng tiền mặt vào năm 2010.

Thưởng kiểu này còn lợi lớn về thuế, vì thuế suất đối với thu nhập từ lãi khi bán cổ phiếu chỉ bị đánh thuế 5-10%, trong khi thuế suất đối với lương thưởng bình thường có thể lên tới 40-50% (tùy quốc gia). Sở dĩ đầu tư cổ phiếu được hưởng thuế suất thấp hơn là vì các nước muốn khuyến khích dân chúng mạo hiểm đầu tư kinh doanh, thay vì chọn công việc ổn định trong một tập đoàn lớn nào đó.

Tuy vậy, ở Việt Nam không hiểu cái sự “khuyến khích” này có hơi quá đà hay không mà cá nhân đầu tư cổ phiếu gần như không phải nộp thuế.

Sáng suốt tận dụng lợi điểm này, các “sếp” Masan đã giảm hơn 500 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) so với nhận thưởng kiểu bình thường.

Giảm 500 tỷ thuế thu nhập như thế nào?

Nếu nhận thưởng hơn 1.500 tỷ đồng như bình thường, số tiền này sẽ bị đánh thuế theo biểu thuế lũy tiến như thu nhập từ tiền lương, tiền công. Vì thu nhập của các lãnh đạo chủ chốt Masan vốn đã cao, số tiền thưởng này lại quá lớn, nên các khoản khấu trừ thuế ít ỏi và các bậc thuế sát sạt như tại Việt Nam gần như không đáng kể.

Ngắn gọn: các sếp Masan phải đóng thuế ở mức thuế suất cao nhất 35%, tức ngân sách có thêm 531,3 tỷ đồng thuế TNCN.

Tuy vậy, khi nhận thưởng bằng cổ phiếu, các “sếp” Masan chỉ phải đóng thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán theo một trong hai cách: (1) 0,1% giá trị giao dịch; hoặc (2) 20% lợi nhuận chênh lệch giữa giá chuyển nhượng với giá mua cổ phiếu. Đương nhiên chẳng ai chọn cách nộp thuế 20% lợi nhuận vì như thế có khác nào đóng thuế với thuế suất 20% trên tổng tiền thưởng.

Vì thế, số thuế thực nộp của lãnh đạo Masan chỉ là 0,1% giá trị giao dịch khi họ bán số cổ phiếu ESOP nói trên, theo giá cổ phiếu hôm nay là … 1,7 tỷ đồng.

Tính ra, nhờ am hiểu luật thuế mà lãnh đạo Masan tiết kiệm được hơn 529 tỷ đồng.

Hơn thế nữa, dù số thuế phải nộp chỉ còn chút đỉnh, nhưng các sếp Masan … thích nộp lúc nào cũng được. Thực vậy, họ chỉ phải nộp thuế khi bán ra cổ phiếu.

Ngược lại, nếu nhận thưởng như một phần của tiền lương, họ sẽ bị “khấu trừ tại nguồn”, tức công ty giữ lại toàn bộ số thuế phải nộp ngay khi trả thưởng và chỉ chuyển vào tài khoản các sếp số còn lại.

Luật nói gì?

LUẬT nói Masan nghiêm túc tuân thủ pháp luật hiện hành về thuế cùng các văn bản hướng dẫn đi kèm.

"LUẬT nói Masan nghiêm túc tuân thủ pháp luật hiện hành về thuế cùng các văn bản hướng dẫn đi kèm."

Thực vậy, cách tính thuế kể trên là theo hướng dẫn tại Công văn số 14169/BTC-TCT của Bộ Tài chính gửi Cục thuế Tp.HCM hướng dẫn xác định nghĩa vụ thuế TNCN đối với hình thức thưởng cổ phiếu hoặc quyền mua.

Ở đây, người viết không bàn chuyện chính sách thuế đúng hay sai cũng như nếu chưa hợp lý thì nên điều chỉnh như thế nào, chỉ trộm nghĩ hai điều như sau:

Thứ nhất, muốn Masan nộp thuế trong những lần thưởng cổ phiếu tương tự sau này, chỉ có cách sửa luật theo hướng tăng thuế đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu, một việc gần như bất khả thi nếu xét tới sự phản ứng dữ dội của các nhà đầu tư tài chính. Vì thế, giả chăng chính sách thuế có chưa hợp lý, thì cũng còn lâu mới khắc phục được sự chưa hợp lý này.

Thứ hai, đứng trên góc độ doanh nghiệp, hình như còn quá ít công ty niêm yết tận dụng được sự “khuyến khích (?)” của luật thuế. Với những công ty này, thật chẳng biết nói sao, thôi đành biểu dương tinh thần quên mình mà đóng góp vào ngân sách nhà nước của họ vậy.

Minh Tuấn

duchai

Theo Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên