Coca-Cola Việt Nam: Chúng tôi đã đóng hơn 33 triệu USD tiền thuế
Những rắc rối liên quan đến thuế doanh nghiệp của Coca-Cola Việt Nam là một trong những chủ đề được dư luận quan tâm gần đây.
“Chúng tôi mong muốn được khẳng định một điều rằng Coca-Cola ở Việt Nam không chuyển giá để trốn thuế”, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola Việt Nam Nguyễn Khoa Mỹ nói trong cuộc trao đổi với báo chí.
Trước dư luận có hiện tượng chuyển giá để trốn thuế, cho đến thời điểm này, đã có cơ quan nào vào cuộc và đưa ra kết luận về trường hợp của Coca-Cola Việt Nam?
Là một công dân - doanh nghiệp, những năm qua, chúng tôi luôn giữ cầu nối về truyền thông với các cơ quan Chính phủ để thông báo và cập nhật đầy đủ thông tin về các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình, lắng nghe các ý kiến phản hồi cũng như những lời khuyên để phát triển kinh doanh một cách toàn diện và đúng đắn. Coca-Cola Việt Nam phát triển với tinh thần hợp tác với Chính phủ về thông tin, tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp.
Chúng tôi chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác, như thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế nhà thầu... và giá trị kinh doanh của chúng tôi gián tiếp tạo ra các thu nhập khác cho ngân sách từ thuế VAT, thu nhập cá nhân.
Tính từ năm 2008 đến tháng 5/2013, chúng tôi đóng hơn 33 triệu USD các loại thuế nêu trên.
Trong một buổi gặp gỡ báo giới mới đây, hai đại diện cao cấp bên phía Coca-Cola là ông Clyde Tuggle và ông Irial Finan đã thường xuyên nhấn mạnh cam kết lâu dài của hãng với thị trường Việt Nam. Ông có thể giải thích thêm về điều này cho công chúng?
Chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ về những gì mình có thể làm được ở thì hiện tại và những điều lớn hơn nữa đang chờ đón trong tương lai, tại thị trường Việt Nam. Điều tiên quyết với chúng tôi là tạo ra một khởi điểm vững chắc từ sự đầu tư, xây dựng nền tảng cơ bản và tăng cường vị thế của thương hiệu.
Một khoản đầu tư mới 300 triệu USD trong vòng ba năm tới sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh hơn để có lợi nhuận, nâng cao đóng góp của Coca-Cola vào nền kinh tế Việt Nam một cách trực tiếp và gián tiếp.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cùng với việc báo cáo lỗ lũy kế lên đến con số hơn 3.000 tỷ đồng, vì sao các ông vẫn có "niềm tin mạnh mẽ" như đã nói trên vào thị trường Việt Nam?
Mục tiêu của chúng tôi cũng giống như các doanh nghiệp khác là tạo ra lợi nhuận. Đó là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng có. Có thể nói ở Việt Nam chúng tôi cũng đã thành công bởi chúng tôi đã tạo ra sự gắn kết ở đây nhằm phát triển bền vững.
Cách chúng tôi đầu tư chủ yếu hướng đến xây dựng từ hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, tạo ra công ăn việc làm, phát triển con người, đầu tư nhiều hơn cho những hoạt động trách nhiệm xã hội, và tạo sự yêu thích đối với thương hiệu trong tâm trí mọi người. Công việc này không đơn giản và dĩ nhiên nó đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đạt tới mức thành công.
Có những ý kiến xuất phát từ tư duy chủ quan khi cho rằng cứ thua lỗ là phải đóng cửa doanh nghiệp. Tôi nghĩ nhận định này đúng nhưng chưa đủ.
Bởi, mỗi quyết định đóng cửa hay tiếp tục đầu tư nằm ở vị thế và cách đánh giá của doanh nghiệp đó về tính cơ hội của thị trường, hay một bài toán chiến lược với mục tiêu lớn, bằng những kế hoạch rất cụ thể. Với khả năng tài chính như Coca-Cola, tư duy của chúng tôi là một khi đưa ra quyết định đầu tư, chúng tôi nghĩ đến triển vọng, cơ hội trong tương lai chứ không phải ngay hôm nay.
Nhưng làm sao các ông lại tin rằng mình sẽ thành công và tạo ra lợi nhuận tại thị trường Việt Nam, khi mà sau 20 năm vẫn báo lỗ?
Khoản đầu tư mới của Coca-Cola dự kiến sẽ tạo thêm 500 việc làm trong 3 năm tới, nâng tổng số lao động lên gần 2.500 người.
Theo những nghiên cứu độc lập và kinh nghiệm của chúng tôi ở những thị trường khác, số việc làm trực tiếp này sẽ tạo ra thêm 25.000 công việc ở những ngành phụ trợ như sản xuất nguyên liệu (bao bì, nhãn mác, đường…), kho vận và quảng cáo truyền thông.
Xin các bạn hãy hiểu rằng đó là niềm tin của chúng tôi về việc tạo ra quy mô và mục tiêu kinh doanh lâu dài, bền bỉ. Mỗi quy mô như thế đều cần sự chắt lọc đầu tư chu đáo.
Đó không phải là một tư duy chủ quan mà đã được đúc kết từ trải nghiệm mà Coca-Cola toàn cầu đã gầy dựng và tồn tại hơn một thế kỷ qua, cũng như đạt được thành công tại nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, việc chưa có lợi nhuận tại Việt Nam không làm chúng tôi mất đi sự tin tưởng và lạc quan vào tương lai.
Theo Hương Giang