Cư dân N05 "đòi nợ" Vinaconex 70 tỷ phí bảo trì
Mặc dù, Tổng công ty Vinaconex đã bàn giao cụm nhà N05 Trung Hòa - Nhân Chính cho người dân được 3 năm. Song, toàn bộ quỹ bảo trì khoảng 70 tỷ đồng bị Vinaconex chiếm giữ. Do không có tiền để bảo dưỡng, duy tu dẫn đến 4 tổ hợp chung cư ngày càng xuống cấp. ( Phí bảo trì, Chung cư, cư dân, Vinaconex)
- 06-10-2015Chuyện bức xúc của cư dân chung cư cao cấp Hồ Gươm Plaza
- 02-10-2015TP.HCM: Cư dân chung cư Ehome 3 khổ sở vì công trình xuống cấp
- 01-10-2015Thăng Long Number One: Kính lan can căn hộ rơi, Chủ đầu tư họp khẩn với cư dân
Trong vòng 3 năm qua, người dân N05 đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị Tổng công ty CP Vinaconex phải bàn giao quỹ bảo trì và công khai tên ngân hàng, số tài khoản đang gửi tiền, đồng thời công khai bản sao kê chi tiết việc sử dụng nguồn tiền này. Tuy nhiên, đến nay Vinaconex vẫn chưa thực hiện.
Việc cư dân N05 đi đòi nợ Tổng công ty CP Vinaconex đằng đẵng nhiều năm khiến cho dư luận đặt câu hỏi: tại sao một khoản tiền 70 tỷ đồng - không phải là quá lớn mà Vinaconex vẫn không thể thu xếp trả cho dân? Phải chăng, năng lực tài chính của Vinaconex đang có vấn đề?
Vinaconex chiếm dụng quỹ bảo trì của dân?
Tổ hợp chung cư N05 - Trung Hòa Nhân Chính bao gồm 4 tòa tháp chung cư cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, được Tổng công ty CP Vinaconex đầu tư quy mô hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án đã chính thức hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân từ năm 2012.
Theo đúng quy định của pháp luật, sau khi bán nhà chủ đầu tư thu tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ phải lập 1 tài khoản ngân hàng và gửi toàn bộ quỹ bảo trì để sau này bàn giao cho ban quản trị tòa nhà. Số tiền này sẽ được ban quản trị sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tòa nhà khi cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, theo phản ánh của Ban quản trị tòa N05 và nhiều người dân, Vinaconex vẫn chưa trả lại người dân số tiền bảo trì 70 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Hương - cư dân nhà 25T2 cho biết, “tại rất nhiều cuộc họp, ban quản trị tòa nhà đã đề nghị phía Vinaconex phải trả lại cho dân quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư toàn khất lần. Hiện nay, sau 3 năm sử dụng tòa nhà bị xuống cấp nhưng không có nguồn để duy tu, sửa chữa”- chị Hương nói.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Thanh – Ban quản trị khu N05 Trung Hòa – Nhân Chính cho biết, năm 2013, ngay từ khi họp ban quản trị lần thứ nhất, chúng tôi đã làm công văn gửi lên Vinaconex để yêu cầu Vinaconex phải báo cáo và chuyển giao tòa bộ quỹ bảo trì cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay Vinaconex vẫn không làm và đưa ra nhiều lý do viện dẫn không hợp lý để cố tình “chây ỳ” không bàn giao cho cư dân nhà N05.
Mới đây nhất, sau nhiều lần thúc giục bất thành, Ban quản trị N05 tiếp tục phát công văn yêu cầu Vinaconex trước ngày 15/10 phải có thông báo rõ ràng bằng văn bản tên ngân hàng, số tài khoản gửi tiền quỹ bảo trì cụm nhà chung cư N05. Đồng thời phải cung cấp sao kê chi tiết các giao dịch đối với tài khoản nay tính từ thời điểm lập quỹ đến ngày 30/9/2015 .
Vinaconex đổ lỗi cho UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng?
Vì sao sau nhiều năm Vinaconex lại cố tình chây ỳ không trả lại cư dân N05 khoản phí bảo trì này. Ông Lê Doanh Yên - phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex đã có văn bản giải thích việc chậm chễ bàn giao quỹ bảo trì là do văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất nên Vinaconex chưa thể bàn giao được. Người dân tiếp tục phải chờ đợi Vinaconex gửi văn bản “đi hỏi” cơ quan quản lý.
Cụ thể, ông Yên cho rằng, căn cứ quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội, đối với quỹ bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Chủ đầu tư giữ tài khoản này cho đến khi ban quản trị thành lập. Và chủ đầu tư sẽ bàn giao tài khoản này cho doanh nghiệp được ban quản trị lựa chọn vận hành nhà chung cư.
Trong khi đó, tại quyết định 08/2008- Bộ Xây dựng thì yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị và Ban quản trị quản lý tài khoản này dưới hình thức đồng sở hữu (trưởng ban quản trị và một thành viên do ban quản trị cử ra).
Theo ông Yên, khoản tiền 70 tỷ là khoản tiền lớn trong khi chủ thể nhận bàn giao quỹ bảo trì này chưa được pháp luật quy định rõ ràng nên Vinaconex sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, Vinaconex sẽ bàn giao cho người dân.
Liệu đây có phải là cái cớ để Vinaconex chây ỳ không bàn giao cho người dân hay không? Hay Vinaconex cố tình không muốn biết. Bởi không có lý do gì, dự án đã bàn giao cho người dân từ 3 năm nay mà Vinaconex vẫn chưa “đi hỏi” được cơ quan quản lý về việc giao quỹ bảo trì này cho ai. Không nhẽ, một tổng công ty có tiếng tăm trong ngành Xây dựng lại có thể tắc trách, quan liêu khiến cho người dân phải chờ đợi trong bức xúc nhiều năm đến thế.