Cuba ‘phất’ nhờ xuất khẩu… bác sỹ
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Ngoại thương Cuba Rodrigo Malmierca, dịch vụ y tế hiện đang là nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Cuba và có tiềm năng sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cho đến nay, có khoảng 40.000 bác sỹ người Cuba đang làm việc theo các hợp đồng lao động ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.
Nhưng theo tờ The New York Times (Mỹ), hiện có ít nhất 185.000 y, bác sỹ Cuba đang làm việc tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới.
Thị trường xuất khẩu bác sỹ lớn nhất của Cuba trong những năm tới có lẽ là Brazil bởi nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ đang dự định thuê khoảng 6.000 bác sỹ của Cuba để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế của đất nước này.
Trước kia, Cuba thường chỉ nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm truyền thống như đường, thuốc lá và rượu Rum – hiện có 4 nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho nền kinh tế nước này. Chỉ có duy nhất niken – mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Cuba mang lại 1,1 tỷ USD/năm được xếp là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 4 của đất nước. Tuy vậy, niken chỉ mang lại nguồn thu chưa bằng 50% thu nhập mà ngành du lịch Cuba mang về cho ngân sách (2,5 tỷ USD).
Đáng chú ý, Cuba là đất nước chỉ có 11 triệu dân thuộc khu vực Caribe nhưng nguồn kiều hối cũng hàng năm đóng góp vào ngân sách quốc gia tới 2,5 tỷ USD. Lý do là các thành viên của gia đình các lao động đang làm việc tại nước ngoài đã chi tiêu phần lớn số ngoại tệ được gửi về trong các cửa hàng thuộc sở hữu của chính phủ.
Tuy vậy, tất cả các nguồn thu ngoại tệ này đều không thể so sánh được với con số 6 tỷ USD/năm của hoạt động xuất khẩu các dịch vụ chuyên nghiệp như huấn luyện viên thể thao, giáo viên và quan trọng nhất là bác sỹ. Thông thường, ở trong nước mỗi bác sỹ Cuba chỉ có thu nhập khoảng 25-40 USD/tháng nhưng nếu sang làm việc ở bang Florida (Mỹ) thì họ có thể kiếm được tới 150.000 USD/năm (12.500 USD/tháng).
Chính phủ Cuba cho biết, dù nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu bác sỹ là rất lớn nhưng nước này đang hy vọng vào một nguồn thu khác: Dầu thô khai thác từ các mỏ ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này. Hiện nay, Cuba vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Venezuela – nước đang có số lượng bác sỹ Cuba lớn nhất. Theo một số nguồn tin không chính thức, để có thể nhận được khoảng 90.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela, Cuba đã phải cử sang nước láng giềng 30.000 y, bác sỹ.
Theo Lê Trí