Cuộc đổ bộ của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam
Những ông lớn ngành thức ăn nhanh, thức uống, hàng tiêu dùng từ nhu yếu phẩm đến xa xỉ đang tăng tốc trên đường đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Ngày 7/2, cửa hàng McDonald’s đầu tiên khai trương tại TP.HCM. McDonald’s là cái tên mới nhất trong những thương hiệu fastfood nổi tiếng của Mỹ gia nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, KFC, Starbucks, Subways và Burger King đều đang từng bước bành trướng thế lực tại đây.
Mặc dù không công bố kế hoạch sẽ mở bao nhiêu cửa hàng McDonald’s tại Việt Nam trong thời gian tới nhưng ông Nguyễn Bảo Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Goog Day Hospitality (đơn vị được cấp phép phát triển thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam) - cho biết ông hy vọng trong tương lai cũng sẽ có mạng lưới cửa hàng McDonald’s phủ rộng trên toàn quốc tương tự như nhiều nước khác (Singapore có hơn 100 cửa hàng, Philippines 400 cửa hàng; dù đó là những nước có dân số ít hơn Việt Nam).
Tiếp đó, Central Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái, sẽ khai trương trung tâm mua sắm Robins vào tháng tới tại Hà Nội. Giám đốc điều hành Tos Chirathivat của tập đoàn này cho biết quyết định nói trên là tiếp nối sự thành công của một loạt cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con.
Được biết, Trung tâm mua sắm thứ nhất ra mắt tại Hà Nội cũng là chi nhánh quốc tế đầu tiên của tập đoàn này với diện tích 10.000 mét vuông sẽ nằm trong khu mua sắm giải trí Royal City rộng 200.000 mét vuông và có khoảng 5.000 khu căn hộ. Theo thông tin từ tập đoàn, vào cuối năm nay, trung tâm mua sắm thứ 2 sẽ đi vào hoạt động tại TP HCM.
Không nằm ngoài cuộc chơi, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc dự định phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) tại Việt Nam với bước khởi động là Lotte Mart (ngày 24/7/2013 đã cất nóc tòa nhà này) và thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của TTTM Mipec Mall (Pico Mall trước đây). Hãng Aeon của Nhật Bản có kế hoạch mở hai khu phức hợp thương mại mỗi năm tại Việt Nam cho đến khi đạt con số 20 vào năm 2020.
Chuỗi siêu thị Big C của Pháp đã có trên 20 siêu thị tại Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục công cuộc phát triển hệ thống với việc vừa khai trương một điểm tại Phú Thọ và xây dựng một tổ hợp tại Quảng Ninh.
Theo đánh giá của ông Jonathan Tizzard, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Định giá Cushman & Wakefield: "Phân khúc mặt bằng bán lẻ năm 2013 và đầu năm 2014 chứng kiến sự gia nhập của những thương hiệu lớn vào Việt Nam như McDonalds. Xu hướng gia nhập Việt Nam của những thương hiệu lớn tại phương Tây và châu Á sẽ còn tiếp tục và dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2015 khi mà các rào cản gia nhập đối với các thương hiệu quốc tế dần được gỡ bỏ".
Cũng theo ông Jonathan Tizzard, thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần hiện đại hóa khi lượng dân số trẻ chiếm đa số ngày càng có thu nhập cao hơn và thị hiếu mua sắm cũng thay đổi, các khu chợ truyền thống ngày càng ít được ưa chuộng trong khi các trung tâm thương mại hay các cửa hàng trên phố chính ngày càng chiếm ưu thế. Đây là cơ hội mở ra cho thị trường bán lẻ.
Bên cạnh đó, chu kỳ đi xuống của nền kinh tế trẻ chính là điểm rơi quan trọng để các đại gia bán lẻ nhập cuộc vì có rất nhiều cơ hội như chi phí đầu tư mặt bằng, nhân công rẻ. Trên thực tế nhà bán lẻ thường bị chi phí mặt bằng nuốt lợi nhuận. Giai đoạn khủng hoảng dễ thâu tóm được mặt bằng rẻ, giảm được khoản này thì biên độ lợi nhuận khi kinh tế hồi phục sẽ lớn hơn.
Trưởng phòng Nghiên cứu của Savills Việt Nam, Bà Đỗ Thị Thu Hằng, nhận xét: "Năm 2014 chúng tôi nhận thấy phân khúc bán lẻ vẫn thu hút được sự chú ý nhiều của thị trường. Nguyên nhân là do hiện thị trường hiện tại là thị trường thực, nhu cầu thực. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế vĩ mô dần phục hồi thì nhu cầu ở và mua sắm của người dân sẽ tăng trở lại. Vì vậy, phân khúc mặt bằng bán lẻ kỳ vọng sẽ có những khởi sắc nhất định trong năm tới".
Thanh Ngà