MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dầu ăn kêu cứu!

16-03-2013 - 09:22 AM |

Dầu ăn kêu cứu!
Bộ Công Thương đã ra quyết định điều tra đối với dầu ăn nhập khẩu để xem xét việc áp dụng biện pháp tự vệ.

Cách đây không lâu, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã nộp đơn đến Cục Quản lý Cạnh tranh, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với dầu ăn nhập khẩu, gồm dầu đậu nành và dầu cọ. Vụ việc hiện trong giai đoạn điều tra.

Mất dần thị phần

Theo Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, “Bộ Công Thương tiến hành điều tra khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện toàn bộ hàng hóa do tổ chức đó sản xuất chiếm ít nhất 25% sản lượng hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước”. Vocarimex chiếm gần 29% lượng dầu ăn sản xuất trong nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp (DN) này nộp đơn thì được chấp nhận.

Thị phần dầu ăn của riêng Vocarimex qua các năm 2009 đến 2012 lần lượt là 8%, 6%, 17% và 4%.

Thiệt hại nghiêm trọng?

Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với dầu ăn nhập khẩu nếu có sự gia tăng đột biến, gây ra (hoặc đe dọa gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất dầu ăn trong nước. Theo quy định, “ngành sản xuất trong nước” phải gồm các DN chiếm trên 50% sản lượng dầu ăn nội địa. Tuy Vocarimex chỉ chiếm gần 29% lượng dầu ăn sản xuất trong nước (với các nhãn hiệu Voca, Soby, Bens 3…) nhưng đơn của Vocarimex được sự ủng hộ của ba công ty là Tường An (nhãn hiệu Tường An…), Cái Lân (nhãn hiệu Neptune, Cái Lân, Simply, Meizan…), Golden Hope Nhà Bè (nhãn hiệu Ông Táo, Marvela, Delio, Phúc Lộc Thọ…). Cả bốn DN này chiếm gần 98% sản lượng dầu ăn nội địa.

Theo quy định, thiệt hại phải được thể hiện bằng việc “suy giảm một cách đáng kể về sản lượng, mức tiêu thụ trong nước, lợi nhuận sản xuất, tốc độ phát triển sản xuất; gia tăng mức tồn đọng hàng hóa; ảnh hưởng xấu đến việc làm, mức tiền lương, đầu tư…”. Cụ thể trong vụ việc này, ảnh hưởng trực tiếp đến Vocarimex là DN này phải cắt giảm sản lượng, hạ giá bán, doanh thu và lợi nhuận giảm đột biến.

Vocarimex đã yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với thuế suất 2% tính trên giá nhập khẩu đối với dầu đậu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện. Trước đây, dầu thô chịu thuế nhập khẩu 3%, dầu tinh luyện chịu thuế nhập khẩu 5%, chênh nhau 2%. Sau đó thì cả dầu thô và dầu tinh đều chung một mức thuế nhập khẩu. Đây là một trong các nguyên nhân khiến Vocarimex đưa yêu cầu áp thuế 2%.

Không dễ thắng

Đây là vụ nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thứ hai từ trước đến nay tại Việt Nam. Vụ việc đầu tiên là DN sản xuất kính nổi nội địa yêu cầu tự vệ trước kính nổi nhập khẩu nhưng đã… thua!

Trong vụ kính nổi năm 2009, Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam cho rằng kính nổi nhập khẩu tăng nhanh về số lượng, giá lại thấp hơn kính nội địa nên ngành kính nội địa có thể phải ngừng sản xuất. Do đó, hai công ty này yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách đánh thuế đối với kính nhập khẩu trong vòng bốn năm, cụ thể là áp thuế 0,6 USD/m2 kính.

Tuy nhiên, các DN nhập khẩu - gia công kính nổi đã bày tỏ sự lo ngại kính nội địa lập lại thế độc quyền về cung cấp kính nổi nguyên liệu. Kính nổi được nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công thành kính xây dựng, kính trang trí nội thất, kính ô tô... Các DN gia công kính cho rằng hai công ty kính nội địa đã liên tục tăng giá bán, tạo sự khan hiếm giả, gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất của các DN gia công.

Sau khi điều tra, Cục Quản lý Cạnh tranh kết luận sự gia tăng hàng nhập khẩu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sự biến động của giá dầu (chi phí đầu vào để sản xuất kính) mới là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân gian lận thương mại, khủng hoảng kinh tế nói chung... Đặc biệt, vào thời điểm điều tra thì ngành sản xuất trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Do đó không còn phù hợp để áp dụng biện pháp tự vệ nữa. Dựa trên quan điểm này, Bộ Công Thương đã quyết định không áp dụng biện pháp tự vệ.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại dầu ôliu, dầu cải, dầu hướng dương, dầu ngô (bắp) không thuộc nhóm dầu ăn bị kiện. Nhóm bị kiện là dầu đậu nành, dầu cọ có nhiều nhãn hàng. Ví dụ như dầu ăn Sailing Boat (còn gọi là dầu Cánh Buồm) được bán tại Co.op Mart khoảng 45.000 đồng/chai 1 lít, thành phần gồm dầu đậu nành, dầu cọ và dầu cải, đóng chai tại Malaysia do Công ty TNHH Lam Soon Việt Nam (quận Bình Thạnh) nhập khẩu.

Tại Maximark, loại dầu ăn nhãn hiệu Omely có giá khoảng 38.000 đồng/chai 1 lít, thành phần là dầu cọ (dầu Olein tinh luyện), sản xuất tại Indonesia do Công ty CP Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (quận 12) nhập khẩu. Dầu đậu nành nhãn hiệu Cook, xuất xứ Thái Lan do Công ty CP Lộc Thái (quận Tân Bình) nhập khẩu, giá khoảng 48.000 đồng/chai 1 lít. Loại dầu đậu nành Capri được ghi nhãn là đóng chai tại Canada, Mỹ do Công ty CP Kết Nối Toàn Cầu (quận 3) nhập khẩu, giá 69.000 đồng/chai 1 lít.

Dầu ăn trong nước có giá 33.000-45.000 đồng/chai 1 lít, tùy loại dầu đậu nành 100% hoặc có pha dầu cọ. Ví dụ, loại dầu ăn 100% đậu nành thương hiệu Co.op Mart có giá 42.900 đồng, trong khi loại dầu ăn có pha thêm dầu cọ thì có giá 33.000-35.000 đồng. Dầu ăn Neptune (pha giữa dầu cọ, dầu đậu nành, dầu cải, gạo) có giá 47.500 đồng; loại dầu ăn Meizan đậu nành giá 44.600 đồng, có pha dầu cọ thì 40.300 đồng; Tường An 44.200 đồng; Simply đậu nành 50.200 đồng…

Theo Quỳnh Như

duchai

Pháp luật Tp.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên