Điểm mặt những vụ kiện cáo nhà đất đình đám nhất năm 2012
Hàng loạt dự án chậm tiến độ, thậm chí đình trệ trong một thời gian dài là nguyên nhân bùng phát tranh chấp, kiện cáo giữa chủ đầu tư và khách hàng trong suốt năm qua.
Mới đây, tại dự án The Pride (quận Hà Đông) cũng xảy ra vụ việc hàng trăm khách hàng kéo đến trước trụ sở chủ đầu tư để phản đối việc nộp tiền thêm 10% giá trị căn hộ, nâng số tiền phải nộp cho chủ dự án lên đến 90% giá trị hợp đồng, dù dự án còn chưa xây xong phần thô. Nhiều khách hàng cho rằng, việc làm đó của DN là trái Luật Nhà ở. Trong khi đó, chủ đầu tư hứa đi hứa lại nhiều lần lúc thì hứa cuối năm 2012 sẽ bàn giao nhà, khi lại trả lời sẽ bàn giao nhà vào quý I/2013 và mới đây là lời hứa sẽ bàn giao nhà vào quý II/2013.
Những ngày đầu tháng 10, hàng chục khách hàng đã kéo đến căn hộ mẫu chủ đầu tư Splendora Bắc An Khánh căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư giảm 20% giá nhà. Theo tính toán khách hàng dự án này, chủ đầu tư đã áp chênh CPI từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán khiến khách hàng phải chịu thêm khoản chi 10%. Và 10% còn lại là bởi sự không hài lòng về vật liệu xây dựng, chất lượng căn hộ.
Cuối tháng 8, hơn 20 người dân đã tập trung tại dự án Văn phòng Làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp (52 Lĩnh Nam- Hoàng Mai - Hà Nội) của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ về việc tòa nhà chậm tiến độ. Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ đầu tư vi phạm hợp đồng khi điều chỉnh diện tích căn hộ tăng thêm 4-10 m2, thậm chí có trường hợp tăng thêm 34 m2. Chủ đầu tư thừa nhận, công trình phải đến quý 4/2013 mới có thể bàn giao, chậm hơn một năm so với cam kết và mong khách hàng "cảm thông, cùng chia sẻ khó khăn".
Cuối tháng 3 năm 2012, một số khách hàng đã tìm đến chủ đầu tư là Công ty Quân Thư chủ đầu tư dự án chung cư 34 Cầu Diễn để đòi tiền. Nguyên nhân cũng vì lý do dự án đã không triển khai quá lâu, trong khi theo cam kết của chủ đầu tư là cuối năm 2012 bàn giao nhà, nhưng đến thời điểm khách hàng đòi tiền thì dự án vẫn án binh bất động.
Hàng chục khách hàng có nguy cơ mất trắng số vốn đã
đóng góp mua căn hộ, vì dự án chung cư của Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7
làm chủ đầu tư gần 10 năm vẫn là bãi đất trống. Dự án được khởi công
xây dựng từ năm 2003, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào
tháng 8/2005. Nhưng đến nay, sau gần 10 năm khởi công, dự án vẫn là bãi đất hoang,
người dân xung quanh tận dụng để trồng rau và cây ăn quả...
Gần đây vụ khách hàng vây trụ sở chủ đầu tư tòa chung cư Tricon Tower của Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt đòi kiện vì chậm tiến độ quá lâu. Chủ đầu tư đã đưa ra hai phương án giải quyết cho khách hàng hoặc sẽ lùi thời hạn bàn giao nhà sang 30.6.2014; khách hàng được miễn thanh toán 15% giá trị hợp đồng; 15% giá trị hợp đồng còn lại khách hàng sẽ thanh toán khi bàn giao nhà; khách hàng được tặng 1 chỗ đậu xe ôtô miễn phí. Hoặc chấm dứt hợp đồng mua bán và sau ngày 31.12.2012 Công ty sẽ hoàn trả lại cho khách hàng số tiền khách hàng đã thanh toán.
Một dự án cũng đang bị khách hàng đòi tiền nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo là Dự án chung cư Vĩnh Hưng Dominium tại số 409, Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án thực hiện huy động vốn của khách hàng từ tháng 11-2009, nhưng đến nay dự án cũng mới chỉ tồn tại trên… bản vẽ. Nhiều khách hàng rất khó thu lại khoản tiền đã góp vốn mua căn hộ cho chủ đầu tư. Tệ hơn, khách hàng còn không thể liên lạc được với lãnh đạo của Công ty TNHH Kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng để hỏi về “số phận” của đồng vốn đã bỏ vào dự án.
Một dự án khác mang lại “quả đắng” cho nhiều nhà đầu tư là Usilk City của Sông Đà Thăng Long. Dự án đang trở thành nỗi bức xúc của nhiều khách hàng, đặc biệt là những người mua nhà đã đóng 100% tiền giá trị hợp đồng để nhận khuyến mại tặng sàn trung tâm thương mại. Một năm rưỡi đã trôi qua mà nhà không thấy đâu cũng không thấy cả sàn thương mại. Dự án chậm tiến độ, không rõ chủ đầu tư đã tiêu tiền của người mua nhà vào việc gì. Nhiều khách hàng lo ngại về việc giao nhà đúng hẹn.
Khách hàng mua căn hộ CT3 Trung Văn cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng tiền góp vốn khi không có tên
trong danh sách được giao nhà dù đóng đến 90% giá trị căn hộ tại chung
cư CT3 – thuộc KĐTM Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội qua Công ty Đầu tư và
Phát triển thương mại Hạ Long. Khi tìm hiểu, nhiều khách hàng mới tá hỏa khi biết khi biết phía Công ty
Hạ Long chưa đóng đủ tiền hợp đồng cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần
đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic)
Sau hai năm nộp tiền cho Công ty Hồng Hà, chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ mà vẫn không thấy dự án triển khai, hàng trăm người mua nhà đã tập trung tại trụ sở của Cty Hồng Hà để yêu cầu chủ đầu tư giải thích về việc tiền của họ đang ở đâu và đòi lại tiền góp vốn. Đáng lo ngại là lãnh đạo Cty Hồng Hà – những người đã từng ký hợp đồng, thu tiền của khách hàng gần như không thấy có mặt ở cơ quan và cũng không có mặt ở nơi cư trú.
Còn Hàng loạt các vụ việc tranh chấp “lình xình” giữa chủ đầu tư và khách
hàng đang xảy ra như: Chung cư Coma 7, Tây Thiên Minh, Binh Đoàn 12 Đại Mỗ, Mê Kông Plaza,
Bình Đoàn 12 Ngọc Hồi.., và hàng chục dự án
chưa bị làm rùm beng vì nhiều lý do, cho thấy bức tranh phức tạp của thị
trường BĐS thời suy thoái, từ tranh chấp về hợp đồng góp vốn, khách
hàng kiện cáo đòi rút vốn, đến chậm tiến độ, thu tiền của khách hàng
không xây dựng dự án…
Thanh Ngà