MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Bất động sản nở rộ: Cuộc đua nước rút “tránh” luật

Số lượng DN thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) thành lập mới trong những tháng đầu năm 2015 tăng cao so với năm 2014 phản ánh những tín hiệu tốt lên của lĩnh vực xây dựng, BĐS.

Số lượng DN thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) thành lập mới trong những tháng đầu năm 2015 tăng cao so với năm 2014 phản ánh những tín hiệu tốt lên của lĩnh vực xây dựng, BĐS.

Đón bắt thời cơ

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 2 tháng đầu năm 2015 cả nước có 13.766 DN đăng ký thành lập mới, tăng 26,6% về số DN và 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, BĐS là lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 88%.

Trong số DN giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, tạm ngừng hoạt động của cả nước tăng so với năm 2014 thì lĩnh vực kinh doanh BĐS lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể với 18 DN chấm dứt hoạt động kinh doanh (giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái) và số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 147 DN, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, có 81 DN kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 53% so với năm 2014.

Những con số này được đánh giá là sự đột biến, đảo chiều trong bức tranh DN BĐS. Sau một thời gian khá dài rơi vào khủng hoảng, đóng băng, việc các DN BĐS thành lập mới tăng cao được xem là tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực xây dựng, BĐS mà còn cho cả nền kinh tế.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng sở dĩ các DN BĐS thành lập mới tăng cao trong thời gian qua là do thị trường BĐS đang hồi phục, người mua đã tích cực hơn, các giao dịch mua bán tăng lên khiến cho thị trường BĐS đã có sự sôi động trở lại và đây là dấu hiệu tốt.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ - Chủ tịch Liên minh Sàn giao dịch BĐS G5 cho rằng việc nhiều DN BĐS đang phục hồi là điều đáng mừng. Người dân có nhiều kỳ vọng vào việc thị trường đã và đang tốt lên.

Thực tế, thị trường BĐS năm 2014 ghi nhận tính thanh khoản được cải thiện đáng kể khi mức giao dịch thành công của cả năm tăng trưởng mạnh. Chỉ tính riêng trên thị trường Hà Nội, số giao dịch thành công của năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2013.

Cuộc đua “né” vốn pháp định?

Mặc dù ghi nhận yếu tố tích cực của sự tăng trưởng về số lượng DN BĐS, song các chuyên gia cũng cho rằng, sự ra đời các DN BĐS một cách “ồ ạt” như thế này có thể xuất phát từ lý do nhiều DN đang đẩy nhanh việc thành lập trước khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 tới. Theo luật, từ thời điểm 1-7, để thành lập DN BĐS cần có vốn pháp định 20 tỷ đồng trở lên.

“Việc DN BĐS thành lập mới tăng cao một phần là do thị trường tốt lên, nhưng cũng có thể là người ta “lách” đi trước để tránh sau ngày 1-7, vốn pháp định để thành lập DN phải là trên 20 tỷ đồng, thay vì chỉ là 6 tỷ đồng như luật hiện hành”, ông Nguyễn Quốc Khánh nhận định.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng yếu tố “chạy luật” này chắc chắn cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc số lượng DN BĐS thành lập nhiều trong thời gian qua. “Thậm chí trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Kinh doanh BĐS, con số này lên đến 50 tỷ đồng đối với một số DN thực hiện một số dự án cụ thể, vì vậy nếu không thành lập ngày hôm nay thì nhiều DN sẽ không có cơ hội để thành lập trong tương lai”, Luật sư Đức phân tích.

Nói về tác động của việc DN thành lập ồ ạt để chạy luật, Luật sư Đức cho rằng không cần quá lo lắng vì thị trường sẽ quyết định vấn đề, và hiện thị trường thuộc về người mua. Nếu trước đây người ta dễ dàng bán nhà trên giấy thì nay nhà xây xong rồi nhưng người mua còn phải xem chủ đầu tư uy tín như thế  nào, chất lượng, giá cả, tiện ích ra sao rồi mới quyết định mua. Bên cạnh đó, chính sách quản lý thị trường BĐS, xây dựng đang ngày càng được hoàn thiện và bài bản, kinh nghiệm quản lý ngày càng chặt chẽ, bản thân các DN BĐS cũng không kinh doanh kiểu “bất chấp”, tranh thủ như trước, hầu hết DN xác định kinh doanh phải có nghề, có vốn, có trình độ, có các điều kiện khác mới dám đầu tư, kinh doanh.

Như vậy, việc các DN BĐS thành lập mới tăng cao sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới. Để tồn tại và phát triển, các DN mới, đặc biệt là các DN nhỏ, với số vốn thấp, kinh nghiệm ít ỏi sẽ hết sức khó khăn khi phải cạnh tranh với những DN lớn đã và đang thống lĩnh thị trường, theo đó các DN cần nghiên cứu chiến lược kinh doanh một cách bài bản, nghiêm túc để có hướng đi riêng, phát triển bền vững.

Liên quan đến vốn pháp định để thành lập DN BĐS, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS còn yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với trường hợp đầu tư dự án BĐS để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư...

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng đối với DN thực hiện đầu tư dự án, cần quy định vốn tối thiểu không được dưới 20% tổng vốn đầu tư toàn dự án. Ngoài con số 20 tỷ đồng, không cần thiết phải có thêm một quy định khác về vốn pháp định, bởi 20 tỷ đồng cũng là quá lớn đối với một số DN, đặc biệt là DN ở vùng nông thôn, miền núi, DN môi giới BĐS.

 

Theo Hoài Anh

PV

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên