Doanh nghiệp BĐS chưa “hài lòng” với quy định của luật kinh doanh bất động sản
Quy định về vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều quy định trong dự thảo Nghị định chưa rõ ràng, cụ thể.
- 18-12-2014Tổng hợp các quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản
- 07-12-2014Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi): Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- 16-06-2014Tuần này, Quốc hội sửa đổi quy định Luật Nhà ở và kinh doanh bất động sản
Tóm tắt:
-Sáng 12/3, Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều Luật Kinh doanh BĐS” đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội thảo đã có nhiều vấn đề liên quan được đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bàn thảo, góp ý.
-Trong đó, những vấn đề “nóng” được quan tâm đó là quy định về vốn pháp định, quy định về chuyển nhượng dự án, quy định về Hợp đồng mẫu, về chuyển nhượng hợp đồng,…
Theo đại diện của một số doanh nghiệp đang tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản thì những quy định trong luật về kinh doanh bất động sản chưa cụ thể, rõ ràng, có nhiều điểm chưa hợp lý,…Do vậy, đại diện một số DN này kiến nghị trong Nghị định hướng dẫn cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, điều chỉnh và bổ sung những điều còn bất cập.
Liên quan đến vấn đề quy định về vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp bất động sản, theo quy định Luật kinh doanh BĐS, DN tham gia phải có:
-Vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư về đầu tư công, pháp luật đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị.
-Có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án không thuộc diện quy định ở trên.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch GP Invest cho rằng hiện nay DN kinh doanh BĐS tham gia thị trường đang phân ra 2 loại, một là doanh nghiệp đầu tư dự án và hai là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Do vậy, không pháp luật không nên chộn lẫn 2 loại DN này để quy định vốn pháp định.
Đối với DN đầu tư dự án thì đã có luật đầu tư điều chỉnh là phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư mới được thực hiện dự án. Vì thế, quy định vốn pháp định là 50 tỷ đồng dựa theo tiêu chí đầu tư dự án thì không có ý nghĩa gì.
Đồng quan điểm với ông Hiệp, bà Phan Hải Anh, đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng quy định vốn pháp định như trong Dự thảo Nghị định sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Luật Đất đai và Luật kinh doanh BĐS cũng đã có quy định chủ đầu tư thực hiện dự án BĐS phải đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% tổng mức đầu tư.
Do đó, bà Phan Hải Anh đề xuất chỉ đưa ra một mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng chung đối với tất cả các DN kinh doanh BĐS.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức –Công ty Luật Basico thì việc quy định vốn pháp định 50 tỷ đồng như trên trong Nghị định là “trái luật”. Bởi theo lý giải của Luật sư Đức thì trong Luật kinh doanh BĐS 2014 quy định “vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. “Vốn pháp định từ trước đến nay được hiểu là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp kể cả khi Luật kinh doanh BĐS quy định không thấp hơn 20 tỷ thì cũng không thể hiểu là ngoài mức 20 tỷ.” ông Đức nói.
Một vấn đề khác về kinh doanh bất động sản cũng đang gây ra những khó khăn, bất cập cho các DN khi tham gia giao dịch đó là chuyển nhượng dự án bất động sản. Ông Nguyễn Quốc Hiệp thì cho rằng việc chuyển nhượng dự án hiện đang có những quy định mang tính hình thức, trong khi đối tác muốn chuyển nhượng dự án nhưng quy định pháp luật lại phải ký là “Hợp đồng hợp tác đầu tư”, sau khi thực hiện sau các nghĩa vụ tài chính, thủ tục thì lại phải làm động tác thanh lý Hợp đồng này. Bên cạnh đó, quy định của luật pháp nên làm rõ những quy định để giải quyết vấn đề cho những dự án đã có khách hàng rồi khi bán đi thì cần giải quyết như thế nào.
Còn theo ông Phan Vũ Anh, đại diện Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, hiện nay Quy định trong hồ sơ chuyển nhượng dự án lại cần phải có Giấy chứng nhận, trong khi đó, thực tế có rất nhiều dự án muốn chuyển nhượng nhưng lại chưa thể có Giấy chứng nhận mà chỉ mới dừng ở quyết định giao đất hoặc chấp thuận đầu tư. Do đó, việc giao dịch chuyển nhượng lại “tắc”. Vì thế ông đề xuất luật pháp chỉ cần quy định dự án khi có các giấy tờ như quyết định giao đất, chấp thuận đầu tư là có thể chuyển nhượng.
Nam Long