Doanh nghiệp bị 'chặt' 2 đầu
Đầu vào không có tài sản để thế chấp vay vốn nhằm vực lại và mở rộng kinh doanh, đầu ra không khơi thông do hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp đang rơi vào thế bị “chặt” cả 2 đầu.
Tài sản giảm mạnh
Tại hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 11 (khóa VII) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Võ Quốc Thắng, ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đồng Tâm cho biết hiện nay, doanh nghiệp vừa không có tài sản thế chấp để vay tiền, vừa khó khăn đầu ra vì hàng tồn kho không bán được do nhu cầu tiêu dùng toàn xã hội bị giảm mạnh.
“Bài toán này chỉ Nhà nước mới giải được”, ông Thắng nhận định.
Trong khi đó, ông Thắng cũng chỉ ra chính Nhà nước đang gặp khó khăn bởi các chính sách giãn thuế, miễn giảm thuế, nâng mức chịu thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh khiến ngân sách giảm thu, không có nguồn đầu tư phúc lợi xã hội.
“Còn ngân hàng thì rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng hiện nay giá trị tài sản của doanh nghiệp bị giảm đáng kể so với các năm trước đây, vì vậy nhu cầu vốn không thể tăng mà cũng phải giảm theo”, ông Thắng cho hay.
Còn ông Trần Đình Phùng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn về Tôn giáo cũng đồng tình cho rằng hiện nay, kinh tế “u ám” không chỉ khiến các doanh nghiệp khó khăn mà nhân dân cũng lo lắng.
Ông Phùng cho rằng sự phát triển của ta chưa bền vững. Bằng chứng là doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động nhiều, công nhân thất nghiệp gia tăng, nông dân năm nào cũng rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Ngoài ra, vấn đề tồn đọng nợ xấu, tồn hàng tồn kho, thị trường nhà đất đóng băng gây một loạt hệ lụy làm nhiều tầng lớp băn khoăn lo lắng. Trong khi đó, giá điện, giá xăng luôn có xu hướng tăng.
Ông Phùng kiến nghị: Thông qua hội nghị này, Đoàn chủ tịch cần có tiếng nói kiến nghị với Đảng về tâm tư nguyện vọng của dân về tình hình đất nước.
Nhanh chóng kích cầu
Trao đổi với VietNamNet, biện pháp vực dậy nền kinh tế mà ông Võ Quốc Thắng đưa ra là Chính phủ cần nhanh chóng kích cầu sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư vào các hạ tầng quan trọng như đường, cầu, kênh mương cho nông nghiệp thủy sản, trường học, bệnh viện.
Những cái này, theo ông Thắng, trước sau cũng phải xây dựng vì là nhu cầu bức thiết. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, nên đầu tư theo hướng như trên để có động lực “kích thích” hàng trăm mặt hàng như sắt thép, xi măng… cùng vận động theo.
“Cả một dây chuyền cùng chạy một vòng tròn thì mới có lối ra, giá trị tài sản gia tăng, kinh tế khởi sắc. Hiện nay doanh nghiệp như đứng im, cầu hàng hóa không tăng trong khi lãi ngân hàng cứ phải trả”, ông Thắng nói.
Để có nguồn tiền đầu tư như trên, vị doanh nhân cho biết Chính phủ có thể huy động bằng cách phát hành trái phiếu.
“Tuy nhiên cần xem xét kỹ là phải đầu tư đúng chỗ, cái nào cần ưu tiên thì đầu tư để kích cầu, tạo ra công ăn việc làm, phục vụ an sinh xã hội”, ông lưu ý.
Ngoài ra, ông Võ Quốc Thắng cũng đề ra biện pháp cần đẩy mạnh hơn công tác kiểm tra các hàng hóa nhập ngoại về chất lượng, gian lận thuế, hàng giả, hàng lậu vì hàng hóa loại này cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mặt hàng sản xuất trong nước.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh này các doanh nghiệp phải lạc quan và có lòng tin vào các chính sách để nỗ lực vượt khó.
“Các chính sách vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần làm giảm khoảng gần 50% chi phí cho doanh nghiệp so với trước đây. Nếu năm 2011, doanh nghiệp cả nước phải chi tới 401.000 tỷ đồng và năm 2012 phải chi tới 480.000 tỷ đồng để trả lãi thì đến nay, con số này giảm được một nửa (trên 200.000 tỷ đồng), lãi cho vay cũng giảm về 8-10%, trước đây có thời điểm lãi suất cho vay lên tới trên 20%. Tỷ giá ngoại hối cũng ổn định trong suốt thời gian vừa qua”, ông Thắng nói.
Theo Cẩm Quyên