MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng nhỏ và vừa làm thế nào để tăng sức cạnh tranh?

“Những công ty nhỏ vẫn có thể tồn tại và phát triển được trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng nếu biết lựa chọn các công trình thi công có quy mô hoặc các hạng mục gói thầu phù hợp với khả năng thực hiện của mình.”

Tóm tắt:

- Ông Nguyễn Quang Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn An Phát – một công ty nhỏ trong ngành xây dựng hạ tầng cho rằng những công ty nhỏ vẫn có thể tồn tại và phát triển được trong lĩnh vực này nếu biết lựa chọn các công trình thi công có quy mô hoặc các hạng mục gói thầu phù hợp với khả năng tài chính và năng lực của mình.

- Để tăng khả năng cạnh tranh về tài chính cũng như năng lực thi công, thị trường chứng khoán là một kênh huy động hữu hiệu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn khi nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm và đổ vốn vào ngành này. DNVVN kiến nghị cải cách thủ tục pháp lý, tạo điều kiện trong bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng đối với các DN này.


Một cán bộ nhà nước làm trong ngành xây dựng từng nói với chúng tôi rằng các doanh nghiệp nhỏ trong mảng hạ tầng rồi sẽ không thể “sống” được bởi doanh nghiệp ngành này không chỉ đòi hỏi vốn rất lớn mà còn phải dày kinh nghiệm và giàu quan hệ … Đó là những ưu thế thuộc về doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, có thể thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc nào cũng biết tận dụng ưu thế về sự linh hoạt để tìm được doanh thu cho mình. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thực sự là một kênh huy động vốn hữu hiệu để các doanh nghiệp này nâng cao năng lực tài chính của mình.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn An Phát.

Xây dựng hạ tầng vốn là mảnh đất của các doanh nghiệp lớn. Vậy một doanh nghiệp nhỏ như An Phát đã hoạt động trong lĩnh vực này như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Hải: Quả thực lĩnh vực xây dựng hạ tầng đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lớn, năng lực thi công cao cũng như bề dày về kinh nghiệm quản lý. Nhưng những công ty nhỏ như chúng tôi vẫn có thể tồn tại và phát triển được trong lĩnh vực này nếu biết lựa chọn các công trình thi công có quy mô hoặc các hạng mục gói thầu phù hợp với khả năng thực hiện của mình.

Sự phù hợp ở đây là phải phù hợp về cả khả năng tài chính lẫn năng lực thi công, tức nhân lực và máy móc. Các gói thầu phù hợp với An Phát từ trước đến giờ là các gói từ 100 tỷ đồng trở xuống.

Ví dụ như gói đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai do tổng công ty VEC là chủ đầu tư, An Phát làm thầu phụ của Posco E&C Hàn Quốc; gói thầu hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị như tại Vincom Village, phần cát nền của dự án, khu đô thị Hòa Xuân của Đà Nẵng (chủ đầu tư là Sun Group). Đây cũng chính là những dự án đem lại 2/3 doanh thu trong 2 năm vừa qua của chúng tôi.

Còn đối với những công trình có quy mô lớn và cần có sự cạnh tranh cao hơn, chúng tôi phải tìm các đối tác lớn, có năng lực để cùng tham gia và chia sẻ trong suốt quá trình tiếp thị cũng như thực hiện dự án.

Đây dường như cũng là cách thức hoạt động của đa số các công ty hạ tầng vừa và nhỏ khác. Với ý định sang đầu quý 2/2015 trở thành công ty đại chúng và tiến tới niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, ông cho rằng công ty mình sẽ hấp dẫn nhà đầu tư ở điểm nào?

Đối với một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng thì 11 năm kinh nghiệm của An Phát không phải là một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng chưa dài. Song trong thời gian này, chúng tôi đã được tham gia rất nhiều dự án với các tổng thầu nước ngoài hoặc các dự án phải sử dụng nhân sự quản lý là người nước ngoài.

Nhờ vậy, chúng tôi đã thích ứng được với mô hình làm việc chuyên nghiệp của nước ngoài, đồng thời đó cũng là cơ hội để nhân sự của An Phát được đào tạo về quản lý dự án, kỹ thuật và khả năng thi công trên công trường.

Năm 2014, công ty đạt 60 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận 12%.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, là một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng, chúng tôi gặp khó trong việc tiếp cận vốn nên không thể bứt phá được với các dự án lớn.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang để ý đến ngành xây dựng hạ tầng của Việt Nam trước những cơ hội của ngành này do quá trình hội nhập quốc tế mang lại. Còn ông, ông đánh giá cơ hội và thách thức cho mình ra sao?

Khi các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào, đương nhiên là sự cạnh tranh sẽ tăng cao hơn. Có khoảng 5-6 năm làm việc với nhà thầu nước ngoài mà chủ yếu là Hàn Quốc và Đài Loan, tôi thấy rõ ràng là chúng ta yếu kém hơn nhiều về mặt quản lý. Nâng cao năng lực không phải là vấn đề không giải quyết được nhưng phải có thời gian và qua những công trình cụ thể.

Tôi nghĩ các đơn vị vừa và nhỏ phải có những định hướng và kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp của mình để thích ứng với sự cạnh tranh này. Để tăng khả năng cạnh tranh về tài chính cũng như năng lực thi công, An Phát phải trở thành công ty đại chúng rồi tiến tới niêm yết trên sàn giao dịch, đồng thời có chiến lược cơ cấu lại Doanh nghiệp về nhân sự và hệ thống quản lý.

Trong năm 2015 chúng tôi dự kiến sẽ tìm kiếm một số đối tác chiến lược là doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông.

Hiện tại, trong quá trình hoạt động, ông có ý kiến gì về các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không?

Tôi nghĩ rằng An Phát nói riêng và các công ty trong nước nói chung đều mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý và tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã điều chỉnh nhiều chính sách để giảm chi phí cho Doanh nghiệp như ưu đãi thuế cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước. Nhưng khi thực hiện chúng tôi thấy rằng vẫn có nhiều bất cập về mặt thủ tục và pháp lý. Hy vọng năm nay có nhiều chính sách cởi mở để DNVVN có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.

Về cạnh tranh trong đấu thầu, hiện tại, với các gói thầu lớn và các gói quốc tế thì DNNVV không đủ khả năng tiếp cận. Chỉ Doanh nghiệp lớn của nhà nước mới có thể đấu thầu được. Chính vì thế DNNVV chắc chắn cần đến sự hỗ trợ để có thể tham gia gói thầu lớn.

Đơn cử như vấn đề bảo lãnh của Ngân hàng. Bao giờ chúng tôi cũng phải sử dụng tài sản tự có của Doanh nghiệp để bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh đấu thầu. Còn đối với Doanh nghiệp nhà nước thì việc đó dễ dàng hơn, Ngân hàng cũng có sự tin tưởng hơn và dễ cấp tín dụng hơn.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

>> Cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp năm 2014: Dấu ấn KBC & ITA

Quang Vinh

Minh Trang

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên