MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án metro số 5 chưa đủ vốn

Đến nay, số vốn tìm được cho tuyến metro số 5 vẫn chưa đủ, do đó TPHCM đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ để nhanh chóng triển khai dự án.

Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 TPHCM Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc được triển khai theo chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Tây Ban Nha (Chương trình hợp tác tài chính song phương IV giữa Chính phủ Tây Ban Nha và Chính phủ Việt Nam ký ngày 26-2-2008 và Bản ghi nhớ (MOU) ký ngày 15-12-2009 giữa Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp, Du lịch và Thương mại Tây Ban Nha).

Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 được Tư vấn IDOM hoàn thiện và đề xuất phân kỳ thành 2 giai đoạn, nhằm đảm bảo phù hợp với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ Tây Ban Nha, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Thông qua 2 khoản hỗ trợ kỹ thuật bổ sung của Chính phủ Tây Ban Nha, Tư vấn IDOM tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự án đầu tư tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn), bảo đảm nội dung đầy đủ phù hợp với quy định và yêu cầu của 2 Chính phủ Việt Nam và Tây Ban Nha nhằm trình duyệt dự án, làm cơ sở cho Chính phủ 2 nước đàm phán ký kết hiệp định vay.

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, do việc cắt giảm vốn đầu tư của Chính phủ Tây Ban Nha từ 500 triệu EUR xuống còn 200 triệu EUR, hồ sơ dự án vẫn chưa được phê duyệt. Để có nguồn vốn bổ sung, TP đã xúc tiến và tìm kiếm được nguồn vốn của các nhà tài trợ mới, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Ngoài ra, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã đề nghị cùng tham gia hợp vốn với ADB, EIB và Chính phủ Tây Ban Nha để đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến tăng lên khoảng 400 triệu EUR.

Do cơ cấu nguồn vốn tài trợ thay đổi, dự án hiện đang được rà soát, cập nhật lại và hoàn chỉnh theo yêu cầu của các nhà tài trợ (báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA), kế hoạch tái định cư (RAP), đánh giá tác động xã hội (SIA), tổng mức đầu tư của dự án và các công tác rà soát về kỹ thuật theo quy trình nội bộ của ADB).

Được biết, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) hỗ trợ trong việc xem xét, chấp thuận điều chỉnh lại cơ cấu tài chính trong mục số 9 - tổng nguồn vốn của dự án đã được ghi trong đề cương chi tiết dự án đầu tư của tuyến metro số 5 - giai đoạn 1, với cơ cấu tài chính mới bao gồm hợp vốn của các nhà tài trợ trên và Chính phủ Tây Ban Nha.

TP cũng đề nghị Bộ KH-ĐT hỗ trợ trong chương trình làm việc sắp tới với Chính phủ Tây Ban Nha nhằm khẳng định rõ cơ cấu tham gia vốn đầu tư của Chính phủ Tây Ban Nha vào các cấu phần của dự án. Từ đó TP có cơ sở lập đề cương dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ cấu vốn mới đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1.

Đối với giai đoạn 2 của tuyến metro số 5 cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư. Tổng chiều dài giai đoạn 2 là 14,5km (bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới đến ngã tư Bảy Hiền). Trong hội thảo thu hút đầu tư đường sắt đô thị được tổ chức gần đây, một số đối tác Hàn Quốc ngỏ ý cho vay 500 triệu USD theo dạng tín dụng xuất khẩu.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Nga cũng dự kiến cho vay 200 triệu USD theo dạng ODA. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư của tuyến metro số 5 (giai đoạn 2) lên đến 1,8 tỷ USD, trong khi tổng cộng các nguồn vốn tài trợ lẫn vốn đối ứng mới gần 1 tỷ USD nên vẫn chưa đủ.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, thời gian tới TPHCM sẽ làm việc với ADB để vay thêm, cũng như tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để giảm tổng mức đầu tư. Trong trường hợp vốn không đủ có thể phải tính phương án phân ra từng đoạn có vốn đến đâu làm đến đó.

Theo Minh Tuấn

thanhhien

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên