MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ế ẩm thị trường xe máy

19-07-2014 - 18:04 PM |

Thị trường xe máy năm 2014 sẽ còn tiếp tục khó khăn với sản lượng thấp và cạnh tranh khốc liệt, đó là nhận định của các DN sản xuất xe máy tại Việt Nam.

Theo nhận định thị trường 2014 cũng chỉ đạt mức 2,8 triệu xe tương đương với 2013. Nguyên nhân được cho là kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Năm 2014, các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa có gì sáng sủa, nên chắc chắn thị trường xe máy sẽ vẫn khó khăn, ông Masayuki Igarashi, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết.

Chỉ dùng hết một nửa công suất

Honda Việt Nam cho biết, dự kiến năm 2014 cũng chỉ sản xuất và tiêu thụ từ 1,8 - 1,9 triệu xe, bằng với 2013. Với sản lượng trên thì 2 nhà máy của DN này tại Vĩnh Phúc có công suất 2 triệu xe/năm cũng chưa hoạt động hết.

Tuy nhiên, Honda vẫn quyết định sẽ đưa nhà máy thứ 3 tại Hà Nam đi vào hoạt động, bắt đầu từ tháng 3/2014 sẽ sản xuất linh kiện, sau đó từ quý III sẽ sản xuất xe máy. Sản lượng xe máy của nhà máy tại Hà Nam dự kiến chỉ từ 10.000 - 15.000 xe tính đến hết năm.

Trước đây, hàng loạt các DN xe máy có vốn đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư nâng công suất sản xuất xe máy. Công ty Honda Việt Nam hiện có 3 nhà máy với công suất 2,5 triệu xe/ năm, Yamaha Việt Nam có 2 nhà máy với công suất 1,5 triệu xe/năm, SYM có 3 nhà máy với công suất 500.000 xe/năm, Suzuki có 2 nhà máy công suất 300.000 xe/năm và Piaggio có 2 nhà máy với công suất 300.000 xe/năm. Chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất này, công suất đã vượt 5 triệu xe, chưa kể các DN khác như Kimco, hay DN có vốn 100% trong nước.

Hiện công suất xe máy đang dư thừa tới 50%, trong đó, nhiều DN chịu dư thừa lớn gấp nhiều lần sản lượng như Suzuki, SYM, Piaggio Việt Nam. Cùng với đó, nhiều nhà cung cấp linh kiện cho họ cũng tương tự như cho Honda Việt Nam đang gặp khó khăn vì trót đầu tư mở rộng sản xuất theo.

Theo ông Masayuki Igarashi, kinh tế khó khăn cũng làm cho đồng tiền Việt Nam ổn định hơn và tạo ra lợi thế về xuất khẩu. Thời gian tới, các DN chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu xe máy để mở hướng ra mới và biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất xe máy toàn cầu tại châu Á.



Tuy nhiên, việc xuất khẩu được cho là không hề dễ dàng, bởi bản thân các hãng xe máy lớn cũng luôn đặt ra mục tiêu, ở đâu có thị trường lớn thì ở đó có sản xuất. Các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... đều đã trở thành những trung tâm sản xuất xe máy lớn và cũng đều hướng tới xuất khẩu.

Đại lý xe máy "ngồi trên đống lửa"

Dạo qua một số đại lý xe máy lớn ở Hà Nội ở thời điểm này sẽ nhận được câu trả lời chung: lượng xe máy bán ra chỉ bằng 1/4 những năm trước, thất thu lớn nhưng các khoản chi hàng tháng để duy trì đại lý không ngừng tăng, cảnh "thắt lưng buộc bụng" để "gồng gánh" qua lúc khó khăn chưa biết đến bao giờ.

Một quản lý cửa hàng do Honda uỷ nhiệm trên quận Ba Đình, Hà Nội ngán ngẩm cho biết: "Dù là đại lý cấp 1 của Honda Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay chưa ngày nào đại lý tôi bán ra quá 10 xe, trong những năm trước, thời điểm này bắt đầu năm học mới nhu cầu tăng lên nên ngày ít thì bán cũng được 30 xe, nhiều thì được 40 xe.

Dù là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề bán xe máy nhưng tôi và hầu hết người trong nghề cũng không thể lường trước được thị trường đi xuống nhanh như vậy. Hiện mỗi tháng số tiền mà đại lý chúng tôi phải chi tới ngót nghét 500 triệu đồng, trong đó có tiền thuê mặt bằng 220 triệu đồng/ tháng. Cộng thêm tiền lương trả nhân viên gần 30 đầu người, tiền điện nước, tiền thuế…

Trong khi xe bán ra ngày một chậm nên đã nhiều tháng qua chúng tôi gần như không có lãi, nếu tình trạng này còn kéo dài thì nguy cơ đóng cửa rất cao…".

Trong các thương hiệu xe máy lớn hiện nay như: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio… thì Honda vẫn là loại xe bán ra nhiều hơn cả, tuy nhiên giá bán xe Honda tại thị trường Hà Nội hiện cũng chỉ có 2 mẫu xe bán cao hơn giá niêm yết chút ít là Vision: 29 triệu đồng (cao hơn giá niêm yết khoảng 300 nghìn đồng); Wave Alpha: 17,5 triệu đồng (cao hơn 500 nghìn đồng).

Anh Lê Văn, chủ một đại lý xe máy trên phố Khâm Thiên cho biết, nếu như vài năm trước đây, việc muốn mở một đại lý chính hãng cho các hãng xe như: Honda, Yamaha, Piaggio đối với dân kinh doanh xe máy là việc cực khó, ngoài có vốn lớn, cơ sở hạ tầng tốt, đạt được các yêu cầu khắt khe khác của hãng… còn phải có quan hệ mới có thể làm được.

"Bản thân tôi sau nhiều năm cậy nhờ người này người khác để xin làm đại lý cho một hãng xe máy lớn nhưng không được nên đành mở cửa hàng nhỏ kinh doanh.

Thời thế thay đổi, nay không ít chủ đại lý xe máy lớn đang "ngồi trên đống lửa" vì tiền vốn bỏ ra nhiều, kinh doanh lại bế tắc, từ đầu năm đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều chủ đại lý xe máy sang nhượng lại cửa hàng cho chủ mới để chuyển sang kinh doanh xe đạp điện, lên mạng không ít mục rao vặt cần sang nhượng lại đại lý xe máy với mức giá ưu đãi không tưởng…" – anh Văn nói.

Nếu để ý quan sát tại các phố chuyên kinh doanh xe máy trước đây ở Hà Nội như: Khâm Thiên, Bà Triệu, Phố Huế… sẽ thấy các cửa hàng, đại lý xe máy giảm đi đáng kể, thay vào đó là hàng loạt các cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện thế chân.

>> Hết thời kinh doanh xe máy?

Theo Hồng Uyên

anhnt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên