'Giấc mộng Trung Hoa' có thành?
Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có hơn 1 tỷ dân sống ở thành thị. Làm sao để quy hoạch và quản lý đô thị hóa ở TQ là vấn đề sống còn đối với sự phát triển kinh tế, chính trị của nước này.
Nội dung nổi bật:
- Trong thời đại của Marco Polo, ấn tượng của các vị khách nước ngoài về các thành phố của Trung Quốc là cung điện được trang trí công phu, những con đường lát đá và kiến trúc tỉ mỉ. Ngày nay, các thành phố lớn lại mang đến hình ảnh những tòa nhà chọc trời và khu mua sắm hiện đại liên kết với nhau bởi mạng lưới tàu cao tốc dài nhất thế giới.
- Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel cho rằng: những bước tiến công nghệ ở Mỹ và quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc sẽ là hai nhân tố “mấu chốt” trong sự phát triển của nhân loại ở thế kỷ 21.
- Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đã thừa nhận một số vấn đề của đô thị hóa. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, phát triển đô thị quá tải đi kèm với ùn tắc giao thông gây nhiều nhức nhối trong xã hội.
Ấn tượng của Marco Polo về Trung Quốc
Một vài nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Marco Polo chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc. Nhưng nếu như ở thế kỷ 13, thương nhân người Ý không đến bờ vịnh Hàng Châu, ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình qua lời kể của các thương nhân khác. Ông miêu tả: “không thể phủ nhận đó là nơi tuyệt vời và danh giá nhất trên thế giới”. “Không thể tin được” ông đã viết, Hàng Châu (nơi ông thường gọi là Kinsay) chỉ là một trong hơn 1.200 “thành phố lớn và giàu có nhất” phía Nam Trung Quốc. “Tất cả mọi thứ liên quan đến thành phố này đều vô cùng vĩ đại… điều này khó mà miêu tả bằng giấy bút được.”
Trong thời đại của Marco Polo, ấn tượng của các vị khách nước ngoài về các thành phố của Trung Quốc là cung điện được trang trí công phu, những con đường lát đá và kiến trúc tỉ mỉ. Ngày nay, các thành phố lớn lại mang đến hình ảnh những tòa nhà chọc trời và khu mua sắm hiện đại liên kết với nhau bởi mạng lưới tàu cao tốc dài nhất thế giới. Và, nếu như mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch của Đảng cộng sản Trung Quốc, hai thập kỷ tới dự báo sẽ chứng kiến thêm nhiều sự phát triển vượt bậc.
Đến năm 2020, mạng lưới tàu cao tốc sẽ được mở rộng thêm 2/3 diện tích hiện tại, bổ sung hơn 7.000 km. Tại thời điểm đó, hầu hết các thành phố sẽ có dân số khoảng nửa triệu người, chưa kể đến xu hướng đổ về thành phố từ các vùng quê phụ cận – khoảng hàng chục triệu người mỗi năm.
Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới, mức tăng trưởng trung bình của dân cư thành thị lên đến 13 triệu người mỗi năm, xấp xỉ dân số của thủ đô Tokyo. Năm 2030 dự đoán có gần 1 tỷ người sống tại các thành phố ở Trung Quốc, chiếm 70% tổng dân số - trong khi số liệu hiện tại là 54%.
Theo một ước tính không chính thức khác, dân số đô thị sẽ bùng nổ cho tới năm 2040 và sẽ không dưới con số 1 tỷ. Trong cuốn sách “Một tỷ khách hàng” xuất bản năm 2005 của James McGregor – một doanh nhân người Mỹ, khái niệm một tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đã trở thành biểu tượng cho “khoản lợi nhuận đáng mơ ước cho những ai biết tận dụng cơ hội, quảng cáo và hi vọng; chính điều này đã hấp dẫn các thương nhân nước ngoài trong hàng thế kỷ nay”.
Giấc mộng Trung Hoa
Sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012, Tập Cận Bình (hiện nay đang giữ chức Chủ tịch nước) đã đánh dấu kỷ nguyên lãnh đạo của mình với khẩu hiệu: “Giấc mộng Trung Hoa”. Đây được coi là bước đột phá trong truyền thống lãnh đạo của Đảng cộng sản với tư tưởng mới được thể hiện rõ ràng trong khẩu hiệu trên. Hiện nay, tư tưởng này được truyền bá rộng rãi trong các bài phát biểu chính thức, xuất hiện trong hàng loạt bài hát và các ấn phẩm xuất bản. Khẩu hiệu này cũng mang vai trò thúc giục dân số thành thị đang gia tăng phấn đấu để xây dựng một quốc gia thịnh vượng hơn trong tương lai.
Trở lại 15 năm trước, khái niệm tầng lớp trung lưu còn khá mới mẻ trong xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2011 khi đất nước này đạt tỷ lệ đô thị hóa 50%, vận mệnh của Đảng cộng sản có sự gắn bó rõ ràng với sự phát triển ổn định của các thành phố và tầng lớp trung lưu. Đất nước nông nghiệp mà Đặng Tiểu Bình (xuất thân từ thành phần nông dân) đề ra các chính sách “cải cách và mở cửa” những năm 1970 đang dần được đô thị hóa sau thành công của các mục tiêu kinh tế và chính trị. Nhờ làn sóng di cư ồ ạt, dân số đô thị Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng vượt quá 500 triệu người kể từ khi các chính sách cải cách được thực hiện. Con số này tương đương với toàn bộ dân số Mỹ công với ba lần dân số Anh.
Năm 2013 Lý Khắc Cường trở thành thủ tướng Trung Quốc. Ông đã nhận ra xu hướng đô thị hóa là hệ quả tất yếu sau thành công của quá trình bùng nổ kinh tế. Ông coi đó là “động lực to lớn” cho quá trình phát triển này. Ông Lý và các cộng sự của mình đã trích dẫn phát biểu của Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel cho rằng: những bước tiến công nghệ ở Mỹ và quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc sẽ là hai nhân tố “mấu chốt” trong sự phát triển của nhân loại ở thế kỷ 21.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đã thừa nhận một số vấn đề của đô thị hóa. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, phát triển đô thị quá tải đi kèm với ùn tắc giao thông gây nhiều nhức nhối trong xã hội. Bản kế hoạch cũng chỉ ra rằng chất lượng đô thị hóa ở Trung Quốc đang tụt hậu so với nhiều nước có mức phát triển tương đương (khoảng 60%) trong khi vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Thảo Phương