MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói tín dụng 30.000 tỷ: Tiền to tiêu từ từ

Triển khai từ ngày 1/6/2013, đến nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) vẫn giải ngân "nhỏ giọt" nên không có tác dụng nhiều.

Sáu tháng: 2%

Thông tin của Bộ Xây dựng cho hay, tính đến giữa tháng 12, tổng số tiền 5 ngân hàng được chỉ định cho vay gói 30.000 tỷ đồng, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và Ngân hàng CPTM Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long giải ngân chỉ mới đạt 555 tỷ đồng trên 1.654 tỷ đồng đã cam kết, tức chưa bằng 2% tổng nguồn vốn dự kiến. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ này quá khiêm tốn so với kỳ vọng ban đầu.

Nhìn lại quá trình giải ngân gói hỗ trợ thị trường BĐS này có thể tạm chia thành hai giai đoạn, đó là trước và sau khi có Thông tư 18/2013/TT-BXD (ban hành ngày 31/10/2013 về việc sửa đổi bổ sung một số Điều tại Thông tư 07/2013/TT-BXD nhằm hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ).

Một khách hàng ngụ tại quận 7 cho biết, đã phải mất gần 6 tháng, kể từ khi gói hỗ trợ chính thức triển khai mới tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất 6%/năm do gặp trở ngại lớn nhất là văn bản xác nhận tình trạng sở hữu nhà của địa phương. Trong khi đó, sau ngày 31/10, tiến độ giải quyết có phần nhanh hơn.

Theo kinh nghiệm chia sẻ của một nữ khách hàng tại buổi lễ chào bán đợt 2 khu căn hộ EHome 4 tại Bình Dương, chị chỉ mất khoảng 1 tháng để hoàn tất thủ tục vay trong gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm (cố định trong thời hạn 10 năm) để mua căn hộ EHome 3 Tây Sài Gòn (Q. Bình Tân).

Ngoài ra, theo giải thích từ nhân viên của Sàn giao dịch BĐS Danh Khôi, sau khi có Thông tư 18, giao dịch mua bán tại dự án Dream Home, Gò Vấp (dự án áp dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng) có phần khả quan hơn trước vì hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi 6% của khách hàng được giải quyết nhanh chóng. Như vậy, dù áp dụng từ ngày 1/6, nhưng thực tế gói hỗ trợ chỉ mới phát huy tác dụng trong gần 1 tháng trở lại đây.

Bà Võ Nhật Liễu, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Bất động sản Nam Việt, cho rằng, việc Bộ Xây dựng mở rộng đối tượng được vay, kết hợp với việc Ngân hàng Nhà nước "thúc" giải ngân gói hỗ trợ, đồng thời đang xem xét bổ sung nhiều ngân hàng nữa để cho vay chứng tỏ nỗ lực rất lớn của những nhà làm chính sách nhằm điều chỉnh lại những dự báo chưa chính xác ban đầu. Hơn nữa, cũng thể hiện rõ quyết tâm thực hiện được và thực hiện đúng chủ trương "giải cứu thị trường BĐS".

Khó ở nguồn cung

Các giải pháp thúc đẩy gói 30.000 tỷ đồng đã phần nào được tháo gỡ nhưng xét ở góc độ nào đó, do nhiều khách hàng trước đây thực sự có đủ điều kiện và đang rất cần mua nhà đã gặp không ít khó khăn khi tiến hành thủ tục vay nên niềm tin của họ vào gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm đã suy giảm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Nam Việt dẫn chứng, vào thời điểm tháng 6/2013, Nam Việt cùng lúc mở bán hai dự án Khang Gia Tân Hương (được hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ đồng) và dự án Hưng Phát (Nhà Bè, dự án chung cư thương mại) nhưng do hiệu ứng từ gói hỗ trợ thị trường đã khiến giao dịch ở dự án Hưng Phát bị chững lại.

Những khách hàng không đủ điều kiện để vay, bắt buộc phải mua căn hộ thương mại cũng phân vân tìm hiểu khá kỹ càng và có tâm lý chờ đợi sẽ có một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến về giá của các căn hộ (thương mại và nhà xã hội).

Do đó, sau một tuần triển khai không hiệu quả, Nam Việt cho ngưng lại và chờ đến tháng 7, khi "cơn sốt gói 30.000 tỷ đồng" qua đi mới mở bán Hưng Phát trở lại. Kết quả là, trong khi tháng 6 chỉ bán được khoảng 10 căn thì tháng 7 - 8 bán được 100 căn (tổng số mở bán là 120 căn). Khách hàng vẫn quyết định mua bằng tiền của mình hoặc vay bình thường với lãi suất vay thương mại.

Theo ý kiến của một doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM, vướng mắc hiện nay trong vấn đề giải ngân gói 30.000 tỷ đồng không còn là thời gian và thủ tục xét duyệt cho vay, đó chỉ là phần ngọn, phần gốc chính là "nguồn cung". Nếu như mở rộng đối tượng, bổ sung thêm ngân hàng, nhanh gọn thủ tục... khách hàng có thể vay được nhưng lại không có sản phẩm phù hợp.

Bởi sản phẩm đủ điều kiện áp dụng gói hỗ trợ có quá ít, hạn chế sự chọn lựa của khách hàng. Những căn hộ có đủ điều kiện để vay thì lại ở quá xa so với trung tâm thành phố, chất lượng một số dự án không đảm bảo, đó là chưa nói đến vài dự án có thiết kế không hợp lý do chủ đầu tư cố ý chia nhỏ căn hộ.

Trong khi, dù được vay ưu đãi nhưng người mua vẫn phải bỏ một tỷ lệ tiền mặt nhất định, phải trả lãi... nên họ cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên.

Vì thế, nếu sản phẩm được hỗ trợ vay không đáp ứng được yêu cầu, khách hàng vẫn chấp nhận mua bằng tiền của mình hoặc vay lãi suất thương mại để mua một căn hộ bình thường. Hiện tại, lãi suất vay mua nhà thương mại đang khá cạnh tranh, thậm chí ưu đãi trong khoảng 8%/năm với thời hạn 6 tháng - 2 năm.

Vậy đâu là sản phẩm phù hợp với nhu cầu người mua hiện nay? Đó là phải có vị trí tương đối gần trung tâm và thời gian giao nhà dưới một năm. Để có được điều này chỉ cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án đang chờ xin chia nhỏ diện tích, xin chuyển đổi, và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án này có thể thực hiện dự án để sớm có được sản phẩm chào bán ra thị trường.

Theo ĐỖ HẢI

ngatt

Doanh Nhân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên