GS Đặng Hùng Võ: Gói 50.000 tỷ, NH đủ tiền không, hay chỉ ‘dọa’ thôi?
“Vấn đề là ngân hàng có đủ 50.000 tỷ đó hay cũng đưa ra rung cây để dọa thôi”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận định về gói tín dụng 50.000 tỷ.
- 18-04-2014Gói 50.000 tỷ đồng mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng, BĐS
- 25-03-2014Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là đòn bẩy cho thị trường BĐS?
- 22-03-2014Ra mắt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho BĐS
Liên quan đến chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra tổ chức, chúng tôi đã phỏng vấn GS.TSKH, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ về tác dụng của gói tín dụng này tới thị trường bất động sản Việt Nam.
Thưa GS, dư luận gần đây xôn xao về gói tín dụng 50.000 tỷ. Ông nhận định tính khả thi của gói này thế nào?
Gói này là một gói hoạt động thương mại. Ngân hàng thương mại nào đưa ra gói này thì chịu trách nhiệm về gói đấy thôi. Tôi nghĩ đơn giản như vậy.
Còn về tính khả thi, vấn đề là ngân hàng có đủ 50.000 tỷ đó hay cũng đưa ra rung cây để dọa thôi. Tôi cho rằng gói này chắc cũng làm được một số việc nhưng không nhiều. Đấy là quan điểm riêng của tôi.
Sau gói tín dụng 30.000 tỷ, dư luận hiện xôn xao với rất nhiều gói tín dụng khác như 50.000 tỷ, 70.000 tỷ, rồi 100.000 tỷ. Tác động của các gói tín dụng này lên thị trường ra sao, thưa ông?
Tôi lấy ví dụ, trong thị trường chúng ta có một ai đó nói rằng tôi có thể đầu tư cho thị trường bất động sản 100.000 tỷ. Nhưng thực tế, nó sẽ vận hành như thế nào là câu chuyện hoàn toàn khác. Riêng dư luận đó chắc chắn tác động đến thị trường.
Tôi vẫn nói trong 1 thị trường bất động sản chuyên nghiệp thì người tiêu dùng cũng phải chuyên nghiệp, tức phải biết phân tích thông tin. Gói 70.000 tỷ này là thế nào, khả năng thực hiện thế nào, từ đâu ra 70,000 tỷ? Chứ người tiêu dùng đừng thấy rằng lúc này báo này nói đến gói 50.000, báo kia nói đến gói 70.000, báo khác lại nói đến gói 100.000 mà đấy có khi là những thông tin chưa chắc đã chính xác. Có thể ý định có nhưng chưa chắc đồng tiền đã phải thật.
Vậy người tiêu dùng phải rất thông minh, phải biết phân tích thị trường, phải biết thông tin nào là cái mà chúng ta có thể tin đấy là thật, nó sẽ là hiện thực, cái nào là cái chỉ là thông tin bóng gió trên thị trường.
Những thông tin như vậy sẽ gây loạn thông tin trên thị trường, liệu có ổn không?
Trên thị trường, người ta có thể dùng thông tin để thu hút lợi ích cho mình, điều đó không cấm. Trừ phi bịa đặt ra thông tin, làm sai lệch thông tin. Điều đó chắc chắn có luật về thông tin điều chỉnh. Còn về một cái gì đó mang tính thu hút thông tin, kể cả vận động truyền thông tham gia vào, thì xã hội phải chấp nhận. Mỗi người phải nâng trình độ, tính chuyên nghiệp của mình lên để bảo vệ mình.
Vậy tác động thực đến thị trường của các gói tín dụng trên là gì?
Tất nhiên, bất kỳ một đồng tiền nào bỏ thêm vào thị trường bất động sản đều có lợi cho thị trường. Thứ nhất, thị trường thêm vốn. Thứ hai, tăng được niềm tin.
Bất kỳ một luồng tiền nào đi vào thị trường đều làm tăng niềm tin cho thị trường. Đấy là cái lợi.
Ở đây, chúng ta phải tìm hiểu gói đấy thế nào, thu hút từ đâu, khả năng thực thi đến đâu, hay nó chỉ là một hình thức để chúng ta tăng tính khả thi trong chuỗi liên kết 4 nhà? Với Nhà nước, tôi cho cũng là việc tốt thôi, nhưng chỉ có điều, cần đánh giá nó và triển khai nó, ngăn ngừa hạn chế của nó.
Tác động của các gói này hiện giống như đưa lên một phong trào để đẩy thị trường bất động sản, ít nhất là đẩy niềm tin vào thị trường bất động sản cao hơn, chứ tác dụng cũng không được nhiều lắm.
Tức là gói tín dụng này chỉ có tác dụng tạo niềm tin, không còn tác động nào khác lên thị trường?
Nó có tác dụng tạo niềm tin. Rồi… tạo sự xao động.
Trong liên kết 4 nhà, nhà nào được lợi nhất, thưa ông?
Tất cả các nhà đều có lợi. Đã liên kết với nhau thì họ phải chung lợi ích. Chỉ có điều tôi thấy là 4 nhà này chưa có những người tiêu dùng. Nếu có thêm người mua nhà trong chuỗi này thì tốt hơn. Vì thị trường hiện đại là thị trường vì quyền lợi của người tiêu dùng, chứ không phải vì quyền lợi của người bán hàng. Trong mối liên kết này chúng ta vẫn vì quyền lợi của người bán hàng.
Mới đây, đại diện Nhân hàng Nhà nước cho biết có thể luật hóa gói tín dụng 50.000 tỷ, buộc các bên phải tham gia. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
Không luật nào đi bắt ai liên kết với ai cả. Ngay vợ chồng cũng phải tự nguyện với nhau chứ luật nào bắt ông này lấy bà kia. Nói như vậy là không có kiến thức.
Xin cảm ơn ông!
Gói tín dụng 50.000 tỷ là sản phẩm chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng, sản xuất VLXD - Ngân hàng), do Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đứng ra chủ trì, đưa ra với mục tiêu khơi thông thị trường bất động sản. Thông tin từ VNCB ngày 17/4 cho biết, theo chương trình tín dụng 50.000 tỷ, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho vật liệu xây dựng và được quay vòng trong năm 2014, đặc biệt hình thức cấp tín dụng là bằng hàng hóa vật liệu xây dựng và các nghiệp vụ tín dụng khác liên quan đến cung ứng vật liệu xây dựng. |