MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội tính xây...1.000 siêu thị!

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 42 trung tâm thương mại, 999 siêu thị các loại, trong đó có 23 đại siêu thị.

Tại hội thảo “Phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuẩn bị hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN” tổ chức mới đây ở Hà Nội, quyết định quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thủ đô đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 khiến nhiều đại biểu rất băn khoăn.

Tham vọng quá lớn

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, TP sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại, 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh. Trong 999 siêu thị, có 23 siêu thị hạng 1 (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3.

Bàn về kế hoạch này, GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng xây dựng từ 100 siêu thị như hiện trạng lên con số 1.000 chỉ trong khoảng 5 năm là tham vọng quá lớn so với hiện trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng hiện nay.

“Việc sắp xếp các siêu thị liên quan đến quỹ đất, nguồn vốn, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu. Chẳng hạn, phát triển hệ thống siêu thị sẽ ảnh hưởng đến giao thông, đường sá, áp lực xây dựng bãi đỗ xe... Ngoài ra, cần xây dựng đồng bộ hoặc đi sau quy hoạch hệ thống logistic, nếu không sẽ rất khó trong phân phối hàng hóa, công suất sử dụng…” - GS-TS Đào phân tích.

Ông Đào cũng lo ngại vấn đề sắp xếp vốn đất cho việc xây dựng số lượng siêu thị quá lớn bởi đất đai trong các khu nội đô vốn đã rất căng thẳng. “Tốt nhất là nên quy hoạch các trung tâm phân phối hàng hóa lớn. Các siêu thị quy mô hàng trăm hecta và phải đặt cách xa TP để giảm áp lực cho nội đô, sau đó để cho các doanh nghiệp có tiền thuê và phân phối” - ông đề xuất.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, đặt vấn đề: “Vốn đất sao đủ cho 1.000 siêu thị các loại, trong khi TP còn bao nhiêu quy hoạch khác về trường học, bệnh viện, công trình dân sinh? Đừng để dự án vẽ ra rồi chết”. Theo ông Nghiêm, quy hoạch đề ra còn cần phải xem xét đến vốn đầu tư, trình độ phát triển kinh tế có phù hợp không, lộ trình phân bố dân cư ra sao, giải quyết áp lực lên hạ tầng kỹ thuật thế nào...

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho rằng cần học tập tư duy làm siêu thị của các nước. “Nhiều nước mở siêu thị cùng với ga tàu điện ngầm, xuống tàu là có siêu thị, rất thuận tiện. Hoạt động siêu thị phải gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông. Khi chưa phát triển hoặc chưa thay đổi tư duy phát triển hạ tầng thì đưa ra quy hoạch như thế này là viển vông” - ông nhận xét.

Đừng chạy theo phong trào

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần phải nhìn vào nhu cầu trong tương lai cũng như mục tiêu phát triển văn minh thương mại để triển khai quy hoạch siêu thị. Hiện siêu thị mới chỉ chiếm 10%-15% trong kênh bán lẻ nên việc nâng tỉ lệ này lên là hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, 87% người dân Hà Nội mua hàng thực phẩm, tiêu dùng trong các chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống. “Phần mua trong siêu thị không lớn chứng tỏ sức mua kém. Duy trì sức mua và cân đối với quy hoạch siêu thị là vấn đề quan trọng hiện nay” - ông nói.

Ông Phú cho rằng không nên đặt ra quy hoạch quá lớn mà cần xem xét rút xuống còn 1/3 con số nêu trên. “Đừng để tình trạng 3 siêu thị ở cùng một phố giẫm chân lên nhau, chia doanh số như đã xảy ra ở Hà Nội. Cũng không nên mở nhiều đại siêu thị bởi chi phí quá lớn, chỉ nên mở siêu thị nhỏ, cửa hàng mini, tự chọn” - ông đề xuất.

Theo GS-TS Đặng Đình Đào, các doanh nghiệp dịch vụ bán lẻ bên cạnh yêu cầu hiện đại hóa cần chú trọng đến truyền thống, thói quen. Siêu thị không thể thay thế hoàn toàn chợ truyền thống được nên cần xem xét quy hoạch cho hợp lý.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các siêu thị hiện đang chạy theo số lượng. “Cần phải tập trung củng cố về chất lượng, nguồn hàng, thái độ phục vụ, văn hóa kinh doanh, mối liên kết trong hệ thống chứ đừng làm theo kiểu phong trào, chúng ta sẽ thất bại” - ông Phú nhận xét.

Phải giữ chợ truyền thống



Theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, khu vực nội đô không yêu cầu xây mới các chợ mà nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3.000 m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất dưới 1.000 m2 thành siêu thị hạng 2.



TS Đào Ngọc Nghiêm cảnh báo bài học từ việc nâng cấp một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại như chợ Mơ, Hàng Da, Cửa Nam… Các dự án này đều thất bại, người dân không vào chợ mua sắm, mặt bằng phải cho thuê tổ chức hội nghị, đám cưới. Theo ông Nghiêm, đối với các chợ truyền thống, cần phải tôn tạo để bảo đảm văn minh thương mại, an toàn thực phẩm...



 Theo Phương Nhung

ngatt

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên