MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai bộ trưởng ngược quan điểm về thị trường bất động sản

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình vừa ký báo cáo về kết quả 7 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Sau khi nêu nhiều kết quả, Bộ trưởng Bình chỉ rõ 4 hạn chế.

Theo đó, hạn chế thứ nhất là: “Kinh tế Thủ đô tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững; việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tình trạng đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Đầu tư lĩnh vực đô thị, nhà ở phát triển nóng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, thị trường bất động sản đóng băng”.

Như vậy, theo Bộ trưởng Bình thì “thị trường bất động sản đóng băng” được coi là một hạn chế của kinh tế Thủ đô, sau 7 năm mở rộng.

Bản báo cáo được Bộ trưởng Bình hoàn thành ngày 19/11, tức là chỉ hai ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thị trường bất động sản.

Tại đây, Bộ trưởng Dũng nói, “đến nay thị trường bất động sản đã dần từng bước được cải thiện, đã được phục hồi rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, khi thị trường bất động sản đang lên như hiện nay đã xuất hiện đầu cơ. Từ đó ở một số dự án giá mua nhà của người sử dụng đã cao hơn nhiều so với giá mà chủ đầu tư bán ra lần đầu.

Trở lại nhận định ở báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, đây cũng là hạn chế được nêu tại báo cáo gửi đến Quốc hội một năm trước, về Hà Nội sau 6 năm mở rộng.

Đáng chú ý hơn, là có tới 3/4 hạn chế được Bộ trưởng Bình nêu tại báo cáo năm nay không khác chữ nào so với bản báo cáo năm trước.

Trong đó có hạn chế: “Lĩnh vực văn hóa - xã hội còn bất cập, kết quả xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn…”.

Vẫn giống y hệt đến từng dấu chấm, dấu phẩy với báo cáo năm 2014 là phần nguyên nhân của những hạn chế.

Trong đó, phần nguyên nhân khách quan gồm có tác động xấu, trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu; lạm phát, suy giảm kinh tế trong nước, ảnh hưởng của thiên tai ngập lụt cuối năm 2008, rét đậm một số năm kéo dài…

Ở nhiều nội dung khác, báo cáo năm nay cũng không có nhiều thông tin mới, đôi khi chỉ thay cụm từ “sau 6 năm” thành “sau 7 năm”.

Một số lĩnh vực có các con số được cập nhật đến 2015. Như, 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,8%, mức cao nhất của 4 năm trở lại đây.

Nhưng, để minh chứng cho nhận định vai trò, vị trí kinh tế của thành phố ngày càng lớn, thì báo cáo dẫn lại con số của 2012, đã từng sử dụng ở báo cáo trước.

Cụ thể là so với cả nước, năm 2012 với dân số chiếm 7,84% nhưng thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách.

Trong lĩnh vực văn hóa, đáng chú ý là cả ở báo cáo năm 2014 và năm 2015 đều có đoạn: “Hà Nội cùng cả nước đã tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô Hà Nội đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Cho đến bây giờ, việc Quốc hội nhận được những bản báo cáo giống nhau đến kỳ lạ như thế này, cũng đã không còn là cá biệt.

Riêng với tình hình Hà Nội mở rộng, cuối năm 2013 khi thẩm tra báo cáo về nội dung này của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã hơn một lần than phiền về sự sơ sài của thông tin, từ tổng quát đến cụ thể. Việc đánh giá cả về kết quả, hạn chế, nguyên nhân đều chưa đầy đủ cộng với một số số liệu đưa ra chưa có tính thuyết phục cao.

Khi đó, Ủy ban Pháp luật cũng đã phát hiện báo cáo năm 2013 của Chính phủ không có nhiều thay đổi so với báo cáo cuối năm 2011, cũng về nội dung này.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên