Học gì từ thành công của hàng Thái?
Khi DN Việt Nam còn lúng túng trong việc khẳng định chất lượng, quảng bá thương hiệu thì DN Thái Lan đã nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thị trường, nhận được sự mến mộ của người tiêu dùng Việt.
- 21-02-2014Du lịch Thái Lan thiệt hại 2,76 tỷ USD do biểu tình
- 19-01-2014Vào khu biểu tình Thái Lan để... mua sắm quần áo
- 14-01-2014Tỷ phú giàu nhất Thái Lan muốn thâu tóm Metro Việt Nam với giá 500 triệu USD
Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng trong việc khẳng định chất lượng và quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp Thái Lan đã nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thị trường và nhận được sự mến mộ của người tiêu dùng Việt.
Hàng Thái đường hoàng khẳng định mình
Sẽ không khó để bắt gặp các cửa hàng gắn biển “Hàng tiêu dùng Thái Lan”, “Hàng Thái Lan xách tay”, “Siêu thị hàng Thái” trên các con phố Tây Sơn, Lê Trọng Tấn, Cầu Giấy, Ngã tư sở, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Đội Cấn...ở Hà Nội.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giữa lúc hàng nội phải vất vả chống đỡ với hàng Trung Quốc thì hàng Thái Lan đang đường đường chính chính tăng thị phần tại Việt Nam thông qua đường chính ngạch, tận dụng các chính sách ưu đãi thuế quan một cách “danh chính ngôn thuận”.
Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan đã được tổ chức hàng năm suốt 12 năm qua tại Hà Nội, TP.HCM. Riêng năm 2013, gần 150 công ty Thái Lan và 180 gian hàng tham gia triển lãm trưng bày nhiều chủng loại mặt hàng gồm vật dụng gia đình, hàng may mặc, sản phẩm làm đẹp, vật dụng trang trí lưu niệm, thiết bị điện tử...
Lợi thế của Thái Lan đến từ bối cảnh hàng Trung Quốc đã làm người Việt quá chán chường, trong khi hàng hóa trong nước lại chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu, và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt còn phổ biến.
Đoàn kết để chiếm lĩnh thị phần
Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp Thái Lan tại thị trường Việt Nam là một thực tế đáng để chúng ta nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng thành công đó không phải đơn giản có được. Theo ông, các doanh nghiệp Thái đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ các cơ quan thương mại trong nước và thương vụ đại sứ quán cũng như các lãnh sự quán của họ ở Việt Nam.
Cụ thể, các cơ quan này đã làm cầu nối, trung gian giữa các doanh nghiệp Thái và doanh nghiệp nước sở tại, tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng, cách thức tiếp cận thị trường Việt Nam, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp Thái mang hàng xuất khẩu chào bán ở thị trường Việt Nam.
Thông qua hội chợ này, doanh nghiệp Thái hiểu về khuynh hướng tiêu dùng của người Việt để thiết lập chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn, ông Thành chia sẻ.
Dưới góc độ cá nhân, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khi vào Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung rất “khôn ranh”. Họ thường đi theo một nhóm có đủ tiềm lực về tài chính, nhân sự để tạo nên một sức mạnh tổng thể. Tình đoàn kết hữu nghị khi khai thác thị trường khiến các khách hàng mục tiêu khó từ chối.
Với 70% danh mục sản phẩm cùng nhà máy sản xuất cá hộp quy mô lớn ở tỉnh Tiền Giang từ năm 2007, Thai Corp International đã hoạch định hệ thống cửa hàng tiện lợi làm cầu nối giúp các doanh nghiệp của Thái phân phối hàng hóa, tìm cơ hội đầu tư tại thị trường Việt. Đây là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp Thái thành công khi đặt chân kinh doanh trên đất bạn.
Ở phía đối lập, Bộ Công Thương nhận định cách tiếp cận và mức độ phủ sóng hiện nay của hàng Việt Nam trên thị trường nội địa còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc. Các địa bàn nông thôn, khu vực chiếm 70% doanh số hàng tiêu dùng, chưa được khai thác nhiều.
Hiện các sản phẩm từ Thái chưa thực sự “đe dọa” các mặt hàng Việt Nam trên thị trường nội địa. Nhưng nếu các doanh nghiệp Việt không sớm có các bước đi bài bản, chiến lược thì có thể trở thành người thua cuộc ngay chính trên “sân nhà”.
Theo Mai Thanh