Hong Kong vẫn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới để sống và làm việc
Hong Kong là thành phố đắt đỏ nhất thế giới cho những công ty đưa nhân viên đến làm việc, cao hơn rất nhiều so với London và New York - hai thành phố tranh nhau vị trí thứ hai trong suốt hai năm qua.
Theo chỉ số về sống và làm việc của các thành phố đẳng cấp thế giới của Savills cho thấy hiện nay, mức chi phí trung bình mỗi năm cho một nhân viên thuê chỗ ở và làm việc tại một thành phố đẳng cấp thế giới dưới 76.000 đô la Mỹ, tăng 21% từ năm 2009, thời điểm mà hầu hết thị trường cho thuê tại hầu hết các thành phố đều chạm đáy.
Ở Hong Kong, chi phí thuê chỗ ở và làm việc cho mỗi nhân viên trung bình mỗi năm là 123.000 đô la Mỹ, đắt hơn Singapore 1,6 lần, Thượng Hải 3,8 lần và 4,4 lần so với Mumbai.
Xếp hạng | Thành phố | Chi phí chỗ ở và làm việc cho một nhân viên mỗi năm | Sự thay đổi chi phí chỗ ở và làm việc trong 5 năm | Sự thay đổi chi phí chỗ ở và làm việc năm 2013 |
1 | Hong Kong | $123,000 | 21% | -1% |
2 | London | $115,000 | 18% | 2% |
3 | New York | $112,000 | 37% | 2% |
4 | Paris | $107,000 | 7% | 2% |
5 | Singapore | $76,000 | 11% | 0% |
6 | Tokyo | $74,000 | -9% | 1% |
7 | Dubai | $72,000 | 35% | 41% |
8 | Moscow | $70,000 | 37% | 4% |
9 | Sydney | $60,000 | 6% | 2% |
10 | Thượng Hải | $44,000 | 18% | 0% |
11 | Rio de Janeiro | $30,000 | 54% | 2% |
12 | Mumbai | $28,000 | -5% | -12% |
Tuy tổng chi phí sống và làm việc tại các thành phố trong danh sách nhìn chung khá ổn định trong năm vừa qua, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Chi phí này đã tăng lên tới 41% ở Dubai, dù xuất phát điểm tương đối thấp, lên đến vị trí thứ 7 trong những thành phố đắt đỏ nhất, mặc dù mức chi phí cao này phản ánh phần nào diện tích văn phòng khá rộng dành cho mỗi nhân viên, kết quả của một thời nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp.
Ngược lại, với mức giảm 12%, Mumbai trở thành nơi có chi phí thuê rẻ nhất, chỉ với 28.000 đô la Mỹ cho chi phí thuê chỗ ở và làm việc cho một nhân viên mỗi năm.
Yolande Barnes, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Toàn cầu cho biết: “Những kết quả này phần nào cho thấy sự tái cân bằng của nền kinh tế thế giới khi những thành phố “thế giới cũ” phát triển lâu đời hơn thể hiện tốc độ tăng trưởng ổn định trong chu kỳ phục hồi này. Sự tăng trưởng của những thành phố thuộc “thế giới mới” phát triển đã chậm lại đáng kể, dù cho xu hướng này đã được cân bằng nhẹ lại bởi sự nổi lên của những thị trường bất động sản của các thành phố thế giới mới – đặc biệt là Rio de Janeiro và Dubai”