MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HoREA kiến nghị doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án sau khi xong GPMB

Thay mặt Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu vừa có hàng loạt kiến nghị gửi Bộ Xây dựng liên quan đến các điều khoản ở Luật kinh doanh BĐS 2014 và dự thảo NĐ hướng dẫn Luật này.

Trước hết, về vấn đề vốn pháp định theo quy định của dự thảo là “không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản (BĐS) để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị”.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định vốn pháp định như trên tại dự thảo không phù hợp với thực tiễn tình hình hiện nay và là một rào cản đối với nhiều doanh nhân nhất là doanh nhân trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh BĐS.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi theo hướng quy định vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật đầu tư.

Cụ thể: “Có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án BĐS để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại điều 30, điều 31 Luật Đầu tư 2014, và của pháp luật về đầu tư công”.

Ngoài ra, có một số bất cập trong Luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động, vận hành của thị trường BĐS.

Đơn cử, tại khoản 2 điều 49 quy định: “chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”. Quy định điều kiện này đã có phần giảm nhẹ so với Luật Kinh doanh BĐS 2006, lúc đó đã quy định phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì mới được chuyển nhượng dự án.

Hiệp hội nhận thấy phát triển dự án đầu tư kinh doanh BĐS là một quá trình, là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn như: Giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; giai đoạn quy hoạch, thiết kế; giai đoạn lập thủ tục và nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng; giai đoạn đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc theo quy hoạch và thiết kế đã được duyệt để kinh doanh.

Doanh nghiệp cần được tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh theo nhu cầu của mình. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét về việc cần sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS 2014 để cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án ngay từ sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án.

Nếu chuyển nhượng dự án ở các thời điểm sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc sau khi đã xây dựng cơ sở hạ tầng là theo nhu cầu và thoả thuận của các bên, nhưng tối thiểu là bên chuyển nhượng dự án phải có quỹ đất sạch, và coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh BĐS theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Vấn đề “Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.

Theo HoREA, đây là một chế định mới làm phát sinh chi phí mới trong cơ cấu giá thành BĐS mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua hoặc thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Chế định này có ưu điểm là bảo vệ tuyệt đối, không để xảy ra rủi ro của người tiêu dùng khi mua BĐS hình thành trong tương lai, nhưng mặt hạn chế là không phân biệt nhiều doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, có năng lực thật sự với một số doanh nghiệp kém năng lực, không có uy tín, hoặc thậm chí lừa đảo.

Tuy nhiên, chế định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa phân biệt được doanh nghiệp tốt với doanh nghiệp không tốt, mà bắt buộc tất cả doanh nghiệp đều phải thực hiện, làm tăng chi phí và giá bán. Đồng thời, chế định này cũng chưa tạo điều kiện và năng cao vị thế của người tiêu dùng trong thị trường BĐS.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét cần sửa đổi chế định này như sau: “Khi người mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai có yêu cầu thì chủ đầu tư dự án BĐS nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.

Theo Minh Thư

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên