Keangnam “đút túi” bao nhiêu tỷ đồng nhờ ăn gian diện tích căn hộ?
Trung bình mỗi căn hộ ở Keangnam khách hàng phải thanh toán khoảng 15% diện tích thuộc sở hữu chung cho chủ đầu tư.
- 26-10-2013Những “quái chiêu” phi vụ chuyển giá 1.200 tỷ của đại gia Keangnam
- 18-10-2013Keangnam đòi Bộ Tài chính trả lại tiền
- 04-01-2012Cư dân Keangnam lại kêu cứu
- 25-12-2011Tranh chấp mức giá dịch vụ tại Keangnam: Sẽ giải quyết theo pháp luật
Cư dân Keangnam vô cùng bức xúc khi toàn bộ diện tích của tường, cột chịu lực và hộp kỹ thuật nằm trong căn hộ là những phần thuộc sở hữu chung đã bị chủ đầu tư phân chia và bán cho từng căn hộ. Căn cứ điều 70 Luật Nhà ở và điều 225 Bộ Luật Dân sự, cư dân Keangnam đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh cách tính diện tích căn hộ là không bao gồm những phần diện tích thuộc sở hữu chung. Song, chủ đầu tư vẫn luôn khẳng định việc họ tính diện tích căn hộ để bán theo phương pháp từ tim đến tim, đã bao gồm cả phần diện tích thuộc sở hữu chung là đúng theo Thông tư 16 của Bộ Xây dựng.
Quá bức xúc, mới đây cư dân Keangnam đã gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị kiểm tra Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng có vi phạm Luật Nhà ở và Bộ Luật Dân sự không?
Kết quả giám định diện tích sử dụng của cơ quan chức năng đã xác định, căn hộ B606 có diện tích thuộc sở hữu chung theo quy định lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66 m2. Trong khi đó diện tích mà chủ căn hộ này phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95 m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.
Tương tự, kết quả đo tại căn hộ A610 xác định diện tích còn thiếu so với hợp đồng là 14,74m2; căn B3306 thiếu 27,48 m2. Tại các căn hộ A1101, A710, B3504, B4511, A1404... cũng đều thiếu tới gần 20m2 diện tích so với tổng số diện tích đã trả tiền ở hợp đồng.
Đáng chú ý, do mua 3 căn hộ liền nhau (B3305, B3306, B3307) nên ngoài việc phải bỏ tiền mua cả hộp kỹ thuật diện tích lớn, bà Đoàn Ngọc Thu, chủ nhân các căn hộ này đã phải mua 2 lần chính bức tường ngăn giữa các căn hộ. Phần hộp kỹ thuật ở giữa hai căn hộ B3306 và B3307 nhô hẳn ra hành lang được cơ quan giám định xác định là “nằm ngoài căn hộ”...
Theo tìm hiểu của PV Infonet, đối với những hợp đồng bán căn hộ ký từ năm 2008 cho đến tháng 3/2009, chủ đầu tư Keangnam đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp đo phủ bì.
Thế nên, cứ một bức tường phân chia giữa 2 căn hộ liền kề thì chủ đầu tư đã tính tiền 2 lần cho 2 căn hộ cạnh nhau. Đối với căn hộ 05, 06 và 07, Keangnam còn tính cả diện tích của những hộp kỹ thuật (cũng là những phần thuộc sở hữu chung) nằm ngoài cửa căn hộ 06, vào diện tích căn hộ 06.
Cũng lặp lại bài cũ, 1 hộp kỹ thuật nằm trên hành lang được tính vào diện tích của 2 căn hộ liền kề (căn 05 và 07). Bà Trịnh Tuyết Mai, một chủ căn hộ ước tính, chỉ riêng với diện tích gần 7m2, hai hộp kỹ thuật này đã được chủ đầu tư áp dụng đi áp dụng lại cho 96 tầng (ở 2 toà chung cư, mỗi toà 48 tầng có cùng thiết kế) đã mang lại cho chủ đầu tư là 4 triệu đô la Mỹ (tương đương 84 tỷ đồng) khi bán cho khách hàng với giá 3.000USD/m2.
Một cách đo diện tích khác được chủ đầu tư Keangnam áp dụng khi bán nhà trong các hợp đồng là đo theo phương pháp tim tường. Chủ đầu tư đã cắt bớt hoặc ghi khá chung chung những nội dung hết sức quan trọng về sở hữu chung, riêng, không công khai “các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản”, bản vẽ căn hộ Keangnam cung cấp cho khách hàng trong hợp đồng là bản vẽ nhỏ bằng nửa bàn tay, thiếu ghi chú kích thước, tỷ lệ của cột, hộp kỹ thuật…. nên những cột, hộp kỹ thuật đều được chủ đầu tư tính vào diện tích căn hộ bán cho khách hàng.
Phải trả hết tiền, khách hàng mới được vào xem nhà của mình, khi nhận họ bàng hoàng phát hiện có quá nhiều cột, hộp kỹ thuật mà có những chiếc cột chiếm diện tích "khủng" đến 2,4m2 nằm “chình ình” trong căn hộ.
Theo kết quả trưng cầu giám định, toàn bộ diện tích phần sở hữu chung đã được Keangnam phân chia và cộng vào diện tích của các căn hộ bán cho khách hàng. Trung bình mỗi căn hộ phải thanh toán khoảng 15% diện tích thuộc sở hữu chung. Ví dụ như căn A1101, diện tích theo hợp đồng là 107,8m2; diện tích từ tim đến tim thuộc sở hữu riêng là 91,52; diện tích còn thiếu là 16,28m2. Với 3.000USD/m2 thì người dân đã phải trả cho chủ đầu tư thêm gần 400 triệu đồng số diện tích sở hữu chung cho cột, hộp kỹ thuật.
Bà Trịnh Tuyết Mai, một chủ căn hộ tại Keangnam bức xúc: Thông tư 16 của Bộ Xây dựng chính là văn bản “vẽ đường” cho chủ đầu tư tính cả phần diện tích sở hữu chung vào căn hộ bán cho người dân. Thông tư đưa ra tới 2 cách tính và mập mờ, không nói rõ phần diện tích sử dụng chung như cột, hộp kỹ thuật thì không được bán như Nghị định 71 và Luật Nhà ở đã quy định.
(Xem thêm: Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lên tiếng về thông tư 16)
“Cơ quan quản lý kiểm tra văn bản cần vào cuộc, làm rõ Thông tư 16 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cách tính căn hộ không thống nhất với Luật và Nghị định như thế thì phải xử lý như thế nào? Vì thế, cư dân chúng tôi đã có đơn gửi thẳng Bộ trưởng Bộ Tư pháp để mong sớm vào cuộc làm rõ cho người dân chúng tôi”, bà Mai nói.
Theo Nguyễn Lê