Khi bộ trưởng nguyện là người giữ tiền cho dân
Tình trạng lãng phí phải được đưa vào Luật Xây dựng sửa đổi “để kiểm soát, để giữ tiền cho Nhà nước, cho nhân dân”.
Xót xa trước tình trạng rất nhiều công trình hoặc “xây rất to”,
hoặc “làm mãi không xong” rồi khi đưa vào sử dụng thì “rộng, nhưng dùng
ít” hoặc mãi chưa đi vào sử dụng được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh
Đình Dũng cho biết.
Đắt gấp đôi thì làm sao mà tiến kịp người ta được
Đích thân xuất hiện trong hội thảo của Ủy ban KHCN và MT về dự án Luật Xây dựng sửa đổi hôm 2.8, sự có mặt và lắng nghe của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có vẻ gợi cảm hứng cho hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Nhắc lại chuyến thị sát thực địa của Bộ trưởng Dũng tới Sông Tranh giống như việc “trấn an dư luận”, “không thì còn cãi nhau chán”, ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh “đánh giá cao sự có mặt của bộ trưởng” - trưởng ban soạn thảo của một dự án luật (ảnh) - điều chỉnh nguồn vốn chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thay vì ủy quyền cho thứ trưởng, và trong không ít trường hợp, các thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa.
Tuy nhiên, ngay sau đó, không ít những vấn đề đã được nhắc tới và sau đó đặt ra không ít thử thách cho một dự án luật mà chính Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT Phan Xuân Dũng nói “không chỉ khó mà còn rất khó”.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng thẳng thắn cho rằng “đầu tư xây dựng còn chưa hiệu quả”. Một trong những nguyên nhân, theo ông là do quy phạm pháp luật về xây dựng còn chồng chéo mâu thuẫn, chứa đựng trong đó cơ chế xin-cho, chế tài không nghiêm, nhất là trong khu vực sử dụng nguồn vốn NSNN.
So sánh với ngành xây dựng Trung Quốc, nơi các nhà thầu của họ xây dựng một khách sạn lớn ở Lily trong chỉ 1 năm, TS Phạm Sĩ Liêm nhắc lại triết lý: Trong nền kinh tế bao cấp, ngành xây dựng là ngành tiêu tiền, nhưng trong cơ chế thị trường, nó phải là ngành kiếm tiền.
Trong khi đó ở Việt Nam “ICOR cao hàng đầu thế giới”, khi các nước chỉ cần 3 đồng để tạo ra một đồng GDP thì ở Việt Nam, con số này là 8 đồng. “Đã đi sau còn đắt gấp đôi người ta thì làm sao mà tiến kịp người ta được” - TS Liêm nói.
Vị Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng nhắc đến thực tế “hàng loạt các công trình đang bị ách lại vì thiếu vốn đối ứng” và ông đề nghị luật phải quy định sao để các nhà thầu muốn vào các công trình xây dựng từ vốn NSNN phải có tiền giữ trong kho bạc đã. “Tại sao anh tư nhân thì bắt phải có vốn, trong khi nhà nước thì lại không (?!)”.
Cũng như ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh, ông Liêm bày tỏ hài lòng “chưa thấy có bộ nào cẩn thận như Bộ Xây dựng” khi bộ trưởng đã hai lần lắng nghe ý kiến của tổng hội để hoàn thiện dự án luật.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đặt vấn đề ở các nước “thiết kế sai thì phải đi tù, trong khi ở ta chưa từng có trường hợp nào như thế”.
Ông Trường nêu 2 vấn đề được cho là tồn tại mà luật cần khắc phục. Đó là tình trạng “Các BQL dự án về xây dựng được lập, trong khi các nhân sự chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng quản lý dự án. Năng lực có vấn đề”.
Trong khi đó, hiện các quy định thành lập DN “rất dễ”, “chỉ cần vài tỉ vốn pháp định và sau đó họ ra đấu thầu, hạ giá 40% để trúng thầu rồi bán đi bán lại dự án”. Thứ trưởng Trường góp ý, cần có quy định trong luật về việc một “BQL dự án chuyên nghiệp để quản lý dự án”.
Kiểm soát chặt từ khâu tiền kiểm
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình từ nguốn vốn NSNN thì Luật Xây dựng không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư, mà tập trung điều chỉnh việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các yếu tố đặc thù mang tính kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng, định mức, đơn giá, tổng dự toán, chất lượng an toàn công trình xây dựng.
Mục tiêu của luật là “nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch ''treo'', dự án ''treo'', dàn trải”- bộ trưởng khẳng định.
Nhiều công trình xây dựng vốn NSNN rồi để lãng phí
Khắc phục những yếu kém trong quản trị dự án, bộ trưởng cũng cho biết sẽ quyết liệt đề nghị một mô hình BQL khu vực để dẹp bớt hiện tượng có quá nhiều BQL trên cùng một địa bàn.
Cho biết rất xót xa trước tình trạng nhiều công trình hoặc “xây rất to”, hoặc “làm mãi không xong” rồi khi đưa vào sử dụng thì “rộng, nhưng dùng ít” hoặc mãi chưa đi vào sử dụng được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết tình trạng lãng phí phải được đưa vào Luật Xây dựng sửa đổi “để kiểm soát, để giữ tiền cho Nhà nước, cho nhân dân”.
Chữ dùng cụ thể của ông là quản lý chặt chẽ ngay từ khâu “tiền kiểm” nhằm khắc phục bằng được tình trạng “quá coi trọng yếu tố thị trường”, “không phân biệt các nguồn vốn để có biện pháp quản lý phù hợp”, “vai trò mờ nhạt của cơ quan quản lý nhà nước” và “hạn chế năng lực của chủ đầu tư”.
“Luật Xây dựng không phải chỉ làm cho ngành XD mà làm cho đất nước, vì vậy, sẽ xin ý kiến nhân dân và tôi chỉ là người chấp bút”- bộ trưởng chân thành nói.
Theo Đào Tấn