MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi một CEO ngoại sững sờ

15-03-2013 - 15:55 PM |

Sam Cucurullo - một CEO ngoại - đã sững sờ khi nghe giá của một căn nhà ở Việt Nam.

“Tôi không hiểu. Người Việt Nam thu nhập có mức bình quân như vậy mà lại mua được một căn nhà như thế” - ông nói trên Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Sam Cucurullo là CEO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE - một tổ chức nghiên cứu, tư vấn BĐS tầm cỡ thế giới - người “thuộc như cháo” giá cả từng căn hộ ở Tokyo, từng cửa hiệu ở Thượng Hải, hay một căn ngõ nhỏ giữa Bắc Kinh.

"Sau 3 lần sốt giá, giá nhà - đất ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong vòng hai thập kỷ, kể từ những năm 90. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ có lần đưa ra so sánh giá nhà đất ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển, và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển."

Cucurullo không sững sờ mới lạ. Bạn hãy ngồi cho vững để nghe thông tin sau đây: Sau 3 lần sốt giá, giá nhà - đất ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong vòng hai thập kỷ, kể từ những năm 1990. Giáo sư Đặng Hùng Võ có lần đưa ra so sánh giá nhà đất ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển.     

Đó là một thứ giá nhà “đang vi vu trên đỉnh của thế giới”, trong khi thu nhập của người Việt ở nhóm thấp nhất thế giới.

Phải bóp mồm bóp miệng 75 năm, tức là phải ở độ tuổi “cổ lai hy” hoặc thậm chí vào lúc “nhắm mắt xuôi tay”, người lao động mới có thể mua được ngôi nhà cho mình - như lời nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, cái thứ giá ngất ngưởng đang “vi vu ở trên giời” khiến CEO của một tổ chức tư vấn BĐS “sững sờ”, đang là cái giá ở thời điểm mà các đại gia BĐS phải lập đàn cầu siêu, hành hương khắp xứ, điện thoại cho con đang du học phải về nước, bán siêu xe, chia tay siêu ''chân dài'', thậm chí đi nước ngoài chữa bệnh. Giá BĐS tưởng đã “đến đáy” vẫn làm một ngoại quốc cao thủ trong ngành BĐS thế giới phải “sững sờ”. Mới biết đúng là những người dân Việt, có lẽ từ lâu đã mất thói quen “sững sờ”, quả là lạc quan nhất-nhì thế giới.

Dân nghèo đã phải chịu đựng quá nhiều khi BĐS bị thổi giá cả trăm lần trong chỉ 2 thập kỷ, bởi các đại gia có quyền, có tiền, có quan hệ, có thông tin và tâm lý bầy đàn của đám đông. ''Đóng băng'' - đối với những người đang ấp ủ mơ ước rất giản dị “căn nhà và những đứa trẻ” - vì thế là cần thiết, để giá BĐS đừng “vi vu trên giời” mà trở về giá trị thực của nó, ở mặt đất.

Theo Đào Tuấn

tanhoa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên