MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị cho phép dùng căn hộ chung cư làm văn phòng công ty

Hiệp hội Bất động sản TP HCM tiếp tục có một số kiến nghị liên qua đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 để phù hợp hơn với thực tiễn.

Kiến nghị tới Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM…. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khoản 1 quy định nghiêm cấm: “Sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích không phải để ở” cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn địa phương.

Theo HoREA, quy định trên cũng tương tự tại các nước phát triển nhằm phân định rõ khu ở với khu làm việc, khu thương mại, khu dịch vụ, vui chơi giải trí…Tuy nhiên, đối với nước ta vẫn là một nước đang phát triển, thu nhập của người dân còn thấp (GDP bình quân chỉ khoảng 2.000 USD/người), rất nhiều người khởi nghiệp từ việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động ngay tại căn hộ nhà mình.

Hơn nữa, hiện nay đã có loại hình cao ốc “căn hộ - văn phòng” cũng với chức năng vừa ở, vừa làm việc. Cùng với đó, trên thực tế nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tại các căn hộ chung cư.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi quy định trên như sau: Nghiêm cấm “Sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích không phải để ở, trừ trường hợp sử dụng làm văn phòng làm việc của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của UBND cấp tỉnh”, để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Liên quan đến số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu theo điều 68 của dự thảo có quy định: “Tổ chức cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một toà nhà chung cư; trường hợp trên một địa bàn tương đương cấp phường mà có nhiều toà nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi toà nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các toà nhà chung cư này.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà có nhà ở riêng lẻ thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án; trường hợp trong một dự án hoặc một số dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ là 2.500 căn (tương đương quy mô cấp phường) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 250 căn.”

Hiệp hội cho rằng, về cơ bản quy định đó phù hợp với quy định ở Luật Nhà ở 2014, nhưng không phù hợp với thực tiễn một số địa phương.

Vì thế, HoREA đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Kiên Giang…và những phường đang có đông người nước ngoài cư trú như phường Bến Thành, phường Bến Nghé, quận 1, phường Tân Phong, quận 7 (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nhiều dự án khác), phường Thảo Điền, khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Đối với những khu vực đang thu hút nhiều người nước ngoài sinh sống này, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế, có thể giao quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà thuận lợi hơn.

Theo Minh Thư

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên