MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh đỉa như... chứng khoán?

13-04-2014 - 23:24 PM |

Vậy ai thương người nông dân? Họ sẽ làm gì để sống tới vụ sau, mà chưa chắc, vụ sau sẽ không rớt giá nữa?

Nội dung nổi bật:

Những năm gần đây, tại Việt Nam rộ lên tin Trung Quốc sang thu mua đỉa, với mức giá khi cao điểm lên tới trên 1,5 triệu một cân. Vậy là, nông dân tranh thủ đi bắt đỉa. Trong mắt phần lớn người Việt, thì con vật dai và hút máu này bị ghê sợ. Vì sao TQ lại mua đỉa?

- Tác giả cho rằng: 

+"Có một chương trình truyền hình so sánh so sánh đỉa với chứng khoán. Nghĩa là TQ mua đỉa đợt đầu giá rẻ, đợt sau tăng giá cao hơn, đợt 3 cao hơn nữa, và bán lại số đỉa họ mua đợt đầu cho người VN để thu lợi. Nhưng đây không phải tin chính xác. 

+ Làm ăn với TQ là một câu chuyện phức tạp, và luôn cần sự tỉnh táo, khôn ngoan. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta trở nên mang nặng định kiến, khiến người nông dân mất đi những cơ hội để nâng cao thu nhập".



LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu một bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả Nguyễn Quảng, về câu chuyện bắt đỉa bán và rộng hơn là việc đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Hồi nhỏ, tôi từng đọc truyện tranh về cậu bé bằng gỗ mũi dài Chiếc chìa khóa vàng và câu chuyện li kì của buratino. Truyện có tình tiết một người bán đỉa chữa bệnh trả tiền cho người nào chịu ngâm mình xuống ao tù, và bắt những con đỉa bâu vào người, sau đó bán đỉa để dùng chữa bệnh. Anh ta luôn nói: "Bệnh của bác, chỉ 1 tá đỉa là chữa khỏi".

Đó là lần đầu tiên tôi biết đỉa có thể dùng chữa bệnh.

Đỉa như... chứng khoán?

Những năm gần đây, tại Việt Nam rộ lên tin Trung Quốc sang thu mua đỉa, với mức giá khi cao điểm lên tới trên 1,5 triệu một cân. Vậy là, nông dân tranh thủ đi bắt đỉa, ngay cả người dân ngoại thành Hà Nội, người dân cũng đổ xô đi bắt. Thu nhập tương đối khá, họ kiếm được vài trăm nghìn một ngày là bình thường.

Sau đó báo chí và truyền hình rầm rộ đưa tin là khắp nơi nhung nhúc đỉa. Ở điểm này có một vấn đề về lô-gíc: Tại sao người Trung Quốc mua mà đỉa lại nhung nhúc được? Và đỉa ở VN không ai ưa cả, có người mua cho chẳng phải tốt sao.

Hóa ra lý do theo truyền thông giải thích là dân thu gom đỉa nhưng TQ không mua thì họ đổ ngược lại. Cứ cho tin tức này chuẩn (tôi hoài nghi điều này), thì dân bắt đỉa lại đổ ngược lại, VN không hề mất đi... con đỉa nào.

Tôi cũng từng xem một chương trình truyền hình so sánh so sánh đỉa với chứng khoán. Nghĩa là TQ mua đỉa đợt đầu giá rẻ, đợt sau tăng giá cao hơn, đợt 3 cao hơn nữa, và bán lại số đỉa họ mua đợt đầu cho người VN để thu lợi.

Theo tôi, đây cũng lại không phải tin chính xác. Vì khi người TQ mua đỉa, nông dân là người bán sẽ thu được tiền. Còn nếu có trường hợp mua lại đỉa, đó hẳn là những người buôn bán vốn rất biết tính toán căn cơ, không cần lo vấn đề lỗ lãi thay họ.

Về cách thức, TQ mua đỉa chết, họ hướng dẫn đại lí xâu đỉa vào dây thép và phơi khô. Với những thông tin tôi tiếp cận được, chưa thấy người Việt nào mua lại thứ đỉa đã phơi như vậy. Ngay cả khi muốn bán lại, họ cũng cần các kho chứa đỉa rất to để giữ cả trăm tấn đỉa. Có ai đã thực sự thấy những cái kho nào như vậy? Mà đỉa thì tất nhiên không thể cất ở... ngăn bàn như chứng khoán.

Còn có tin người VN nuôi đỉa để bán, cho đến giờ phút này đây vẫn chỉ là tin đồn. Trên thực tế, đỉa rất nhạy cảm với nhiệt độ và môi trường, chúng đẻ trứng trong 1 cái kén bỏ lại bờ và con đỉa khác sẽ thụ tinh. Còn việc chặt một con đỉa thành trăm mảnh để hôm sau thành trăm con đỉa khác lại càng là tin đồn nhảm.

Ai thương người nông dân?

Bản thân người viết nếu được hỏi ý kiến, cũng không đồng ý bán đỉa. Vì đỉa nằm trong chuỗi thức ăn của cá, nhất là cá da trơn rất thích ăn đỉa. Việc phá vỡ 1 mắt xích trong chuỗi thức ăn sẽ gây hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên, câu chuyện bắt đỉa bán đối với người nông dân VN mà nói, phức tạp hơn nhiều. Thường hiện nay người nông dân chỉ bận vào vụ gặt, toàn bộ thời gian còn lại quanh năm họ có rất ít công việc có thể kiếm ra tiền.

Mấy năm nay, tôi đang thấy bà con nông dân đang khóc ròng vì lúa vụ đông xuân rớt giá mạnh, thương lái bỏ cả tiền cọc chạy làng, nông dân nợ đầm đìa vì tiền thuốc sâu, phân bón, v.v...

Rồi gần đây, quả dưa hấu là một minh chứng cho thảm cảnh của người nông dân. Dưa hấu được mùa, thu mua không kịp, rớt giá ngoài tưởng tượng.

Vậy ai thương người nông dân? Họ sẽ làm gì để sống tới vụ sau, mà chưa chắc, vụ sau sẽ không rớt giá nữa?

Đảm bảo thu nhập cho người dân ở nông thôn đến nay vẫn là bài toán khó, nhất là trong tình trạng giá nông sản bếp bênh. Do vậy. những công việc làm thêm nếu được tổ chức, quản lý tốt hoàn toàn có thể giúp bà con gia tăng thu nhập.

Ở góc độ đó, việc thu mua đỉa bán cho TQ cần được nhìn một cách cẩn trọng và toàn diện. Rõ ràng, cho đến giờ, dù truyền thông có bài xích thương lái TQ, nhưng vẫn phải thừa nhận bà con nông dân kiếm tiền triệu chỉ từ việc bắt đỉa đem bán, và khoản tiền này không hề nhỏ với họ.

Làm ăn với TQ là một câu chuyện phức tạp, và luôn cần sự tỉnh táo, khôn ngoan. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta trở nên mang nặng định kiến, khiến người nông dân mất đi những cơ hội để nâng cao thu nhập.

Trách cứ thương lái TQ và cách làm ăn của họ dễ thôi, song nhìn lại, liệu chính chúng ta đã thực sự tìm ra những biện pháp hiệu quả để cải thiện đời sống người nông dân vốn rất khó khăn?

Đỉa trong Y học

Trong mắt phần lớn người Việt, thì con vật dai và hút máu này bị ghê sợ. Nhưng với y học cổ Tây phương, TQ và ngay cả VN, đỉa đã được dùng làm thuốc đã từ rất lâu. Trong y học cổ truyền Việt Nam, đỉa được gọi là "thủy điệt", dùng để trị các bệnh về ứ huyết, mỡ máu, xuất huyết, v.v..

Đỉa được dùng từ thời Ai Cập cổ đại, để làm tan máu đông. Hiện giờ ở châu Âu, đỉa vẫn được các bác sĩ sử dụng trong một số trường hợp điều trị. Chẳng hạn với ngón tay bị ứ huyết, có nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ, thì rất có khả năng cứu được nếu cho đỉa hút máu đúng nơi bị ứ, chúng tiết ra 1 chất chống đông máu, nhờ đó máu được đưa tới nuôi ngón tay hoại tử.

Ở châu Âu, loài đỉa Hirudo medicinalis bản địa từng bị săn bắt tới mức gần như tuyệt chủng trong thế kỷ 19. Hiện chúng là một loài được bảo vệ ngang với... tê giác trắng.

Cô đào nổi tiếng Demi Moore người Mỹ cũng đã thừa nhận dùng đỉa hút máu để như 1 bí quyết giữ sắc đẹp.

Tại Anh, trang trại Biopharm là nơi nuôi đỉa duy nhất. Còn tại Udelnaya gần Moscow của Nga có Trung tâm quốc tế chuyên điều trị y tế bằng đỉa (MLC). Cả hai nơi này đều làm ăn rất phát đạt. Ở Anh, các bệnh viện phải trả 1 con đỉa đủ tiêu chuẩn với giá 15 USD hoặc hơn, tức khoảng 300 nghìn VNĐ. So với giá 10 nghìn VNĐ mà thương lái TQ trả cho nông dân Việt quả là một trời một vực.


>> Làm ăn với Trung Quốc: Từ thua tới... thiệt

Theo Nguyễn Quảng

 (từ Milton Keynes, Anh Quốc)

kyanh

Tuần Việt Nam

Trở lên trên