MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng cơ sở dữ liệu nhà ở toàn quốc

Theo một số chuyên gia, không thể trách chính quyền địa phương nơi người dân cư trú vì sao từ chối xác nhận tình trạng nhà ở cho người có yêu cầu.

Chỉ trong khuôn khổ một cuộc giao lưu trực tuyến về nhà ở xã hội (NOXH) được tổ chức tại TPHCM ngày 17.7 đã có hàng chục câu hỏi của người dân gửi về cho đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM và Giám đốc Sở Xây dựng chỉ xoay quanh vướng mắc xác nhận tình trạng nhà ở.

Trường hợp của một khách hàng sau đây là rất phổ biến: “Tôi là một khách hàng đầu tiên tiếp cận gói 30.000 tỉ (bắt đầu ngày 10.6.2013 tôi đã chuẩn bị hồ sơ và đến các ngân hàng). Tôi làm trong DN ngoài quốc doanh, nên tham gia gói 30.000 tỉ cho căn hộ thương mại dưới 70m² và giá bán dưới 15 triệu đồng.

Tôi đến BIDV - chi nhánh Tây Sài Gòn để làm thủ tục vay mua căn hộ đã ký thỏa thuận giữa chủ dự án và BIDV - chi nhánh Tây Sài Gòn. Các thủ tục về giấy tờ khác thì tôi đều đáp ứng. Chỉ vướng ở cái phụ lục 2 - TT07/BXD: Xác nhận tình trạng nhà ở và hộ khẩu. Hiện tôi đang sống chung với chị gái (nhà của chị) và có hộ khẩu tại quận Tân Phú. Khi tôi ra phường đề nghị xác nhận theo phụ lục 02, phường chỉ xác nhận là căn nhà tôi đang ở không thuộc sở hữu của tôi. Tuy nhiên, khi qua bên BIDV - chi nhánh Tây Sài Gòn lại không đồng ý với nội dung xác nhận ấy, họ yêu cầu là xác nhận: Chưa có nhà ở và hiện đang sống chung với chị gái.

Tôi về yêu cầu UBND phường xác nhận lại theo BIDV, UBND phường không đồng ý, với lý do UBND phường không thể quản lý hết sở hữu nhà của cá nhân (không có nhà ở phường này, nhưng có nhà ở nơi khác làm sao họ biết được?). Đến đây thì tôi đành bỏ cuộc, với hơn 1 tháng trời chạy tới chạy lui giữa NH và UBND phường. Xin hỏi quý khách mời, trường hợp của tôi thì cơ quan nào làm sai (BIDV hay UBND phường) và tôi biết phải nhờ đến cơ quan nào có thể giúp đỡ (rất nhiều người rơi vào trường hợp tôi, do UBND phường không xác nhận là chưa có nhà ở) và biện pháp khắc phục tình trạng này?”.

Trường hợp của khách hàng trên cũng chính là vướng mắc chính mà người dân chưa thể tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất trong gói 30.000 tỉ đồng để có thể tiếp cận nhà ở.

Trên thực tế, vướng mắc xác nhận tình trạng nhà ở không phải là vấn đề mới phát sinh gần đây. Kể từ khi gói 30.000 tỉ đồng được đưa ra thị trường (ngày 1.6.2013), đã có rất nhiều vướng mắc từ chứng minh thu nhập, tài sản thế chấp, xác nhận tình trạng nhà ở... Hầu hết các vấn đề vướng mắc đều đã được NHNN, Bộ Xây dựng tháo gỡ, riêng vấn đề xác nhận tình trạng nhà ở vẫn còn đó.

Trong hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2013, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cũng đã cho biết trên địa bàn TPHCM chưa có bất cứ cá nhân nào tiếp cận được gói 30.000 tỉ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do vướng xác nhận tình trạng nhà ở. Cũng vì nguyên nhân này mà cho đến ngày 15.7.2013, trên địa bàn TPHCM mới chỉ có 19 trường hợp tiếp cận được vốn trong gói 30.000 tỉ đồng. Đến ngày 17.7, vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết, đại diện NHNN cũng cho biết đã phản ánh vướng mắc này đến UBND TPHCM và NHNN để có chỉ đạo giải quyết vướng mắc.

Theo một số chuyên gia, không thể trách chính quyền địa phương nơi người dân cư trú vì sao từ chối xác nhận tình trạng nhà ở cho người có yêu cầu. Một khi đặt bút ký xác nhận là phải chịu trách nhiệm. Sở dĩ chính quyền không dám ký xác nhận bởi không biết căn cứ vào đâu. Nếu có cơ sở dữ liệu nhà ở toàn quốc thì cơ quan thẩm quyền dễ dàng biết được ai có nhà, ai chưa có nhà. Trong điều kiện Việt Nam, chưa có cơ sở dữ liệu nhà ở toàn quốc thì rất khó để các cơ quan thẩm quyền xác nhận tình trạng nhà ở cho người dân.

Qua câu chuyện vướng mắc xác nhận tình trạng nhà ở cho thấy xuất hiện một lỗ hổng: Lỗ hổng dữ liệu nhà ở toàn quốc. Trong điều kiện chưa có cơ sở dữ liệu nhà ở toàn quốc, muốn người dân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi lãi suất mua nhà cần phải có những chỉ đạo quyết liệt hướng giải quyết hoặc thay đổi các điều kiện để tiếp cận vốn ưu đãi, cụ thể nới lỏng hoặc bỏ quy định xác nhận tình trạng nhà ở.

Theo Ngọc Huân

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên