MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luồng gió “rã đông” địa ốc

Từ câu chuyện của một đại gia “Hai Lúa” như ông Phi cho đến siêu đại gia như Vincom, có thể thấy các dự án xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em có sức hấp dẫn lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Phi, nhà đầu tư nhỏ từ một huyện lỵ tại Bình Thuận kinh doanh đất đai, ế ẩm quá bán mãi chẳng được. Suy đi tính lại, ông thấy tiền dư gửi tiết kiệm với lãi suất 5%/năm thì quá lãng phí, nên quyết định đầu tư tiền làm khu vui chơi trẻ em.

Trong khi đó tại Hà Nội, trong khi nhiều dự án địa ốc đang hiu hắt thì Vincom đẩy mạnh tiến độ cho siêu dự án – Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City trị giá 1.000 tỷ đồng. Dự án này có hàng loạt khu vui chơi cho trẻ em như: Thế giới Games và thành phố hướng nghiệp cho trẻ em Kiz Citi rộng hơn 10.000 m2; công viên nước trong nhà lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích hơn 24.000 m2; sân trượt băng trong nhà lớn nhất Việt Nam rộng 3.000 m2, hoạt động suốt 4 mùa trong năm; quần thể rạp chiếu phim hiện đại Platinum Cineplex hơn 3.500 m2.

Dự kiến các khu vui chơi này sẽ chính thức mở cửa vào 26/7/2013. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 5 dự án này đã tung ra chương trình khuyến mãi, tặng vé vào cửa các khu vui chơi và trao quà tặng. Chỉ trong vòng một tuần đã cháy vé vì có cả 100.000 người đăng ký thay vì 4 tuần như dự kiến của nhà tổ chức. Vincom đang kỳ vọng dự án cũng sẽ thành công như khu công viên giải trí tại Khánh Hòa mà công ty này đã đầu tư trước đây.

Từ câu chuyện của một đại gia “Hai Lúa” như ông Phi cho đến siêu đại gia như Vincom, có thể thấy các dự án xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em có sức hấp dẫn lớn. Với dân số trẻ chiếm gần 28% dân số cả nước (xấp xỉ 25 triệu trẻ em từ 0-16 tuổi), nhưng các khu vui chơi dành cho trẻ em Việt Nam hiện quá ít ỏi và phần lớn lạc hậu. Đô thị hóa và công nghiệp hóa đang mở rộng với tốc độ chóng mặt, nhưng hầu như hiếm thấy các khoản đầu tư từ nhà nước dành cho các khu vui chơi giải trí cho trẻ em.

Ngay tại TP.HCM, nơi được coi là thu hút được nhiều đầu tư nhất cho lĩnh vực vui chơi giải trí trẻ em tại Việt Nam thì 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi đang sử dụng 17 khu vui chơi mới có, cũ có nhưng cung vẫn không đủ cầu. Điều này đã gây ra nghịch lý là nhiều gia đình tìm đường cho con đi du lịch nước ngoài để giải trí. Các tour đi Disney Land HongKong, Tokyo, Phim trường Universal của Singapore, Eveland tại Seoul… luôn thu hút khách Việt, bất chấp khủng hoảng. Và vì vậy, các đại gia trong vòng 5 năm trở lại đây đã tiếp cận mảng kinh doanh này và khai thác trên mọi khía cạnh để kiếm lời với sự linh hoạt đáng nể.

Có thể nhắc đến dự án Kiz Citi của Công ty Thái Dương. Vào tháng 12/2011, công ty này đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào Kiz Citi rộng 2 ha tại quận 4, TP.HCM. Dự án này được thiết kế như một thành phố thu nhỏ bao gồm 20 mô hình nghề nghiệp trong nhà và ngoài trời phục vụ trẻ từ 3-15 tuổi như: bệnh viện, sân bay, sở cứu hỏa, nhà máy sản xuất, trường dạy lái xe. Mỗi ngày dự án có thể đón từ 400-500 lượt trẻ và cao nhất có thể lên đến từ 1.200-1.500 lượt trẻ em.

Là một dự án mới, song Kiz Citi đi vào phân khúc vừa cung cấp dịch vụ giải trí, vừa giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ em nên khá thành công. Chính vì vậy, một số công ty khác trong ngành này lại âm thầm theo kiểu “năng nhặt chặt bị” bằng cách mở các dự án đầu tư chuỗi khu vui chơi giải trí cỡ nhỏ, nhưng khá hiệu quả. Công ty cổ phần Thiếu nhi mới với thương hiệu TiniWorld, chỉ từ 2009 trở lại đây đã bành trướng chuỗi kinh doanh lên đến 13 khu vui chơi trẻ em nằm tại khắp các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng, Hà Nội và mới đây nhất là Đà Nẵng. Kidsyard, một công ty khác tại TP.HCM, chỉ trong vòng 3 năm từ 2010 đã mở ra 8 khu vui chơi trẻ em tại các trung tâm thương mại, nhà sách, siêu thị điện máy và trung tâm mua sắm có tiếng tại TP.HCM, Cần Thơ và Bến Tre…

Thị trường này đang dần được chuyên nghiệp hóa khi xuất hiện các công ty chuyên tư vấn, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ để giúp các nhà đầu tư nhỏ và vừa cũng có thể tham gia kiếm tiền. New Play Yard, một công ty mới mở ra công việc này vào giữa năm 2012, nhưng chỉ trong một năm đã tư vấn được cho gần 380 khách hàng và lắp đặt, phân phối các khu vui chơi tại 12 tỉnh trên toàn quốc.

Theo New Play Yars, lợi nhuận của khu vui chơi có thể lên đến mức khủng là 70%/năm và với các dự án nhỏ, khi gặp thuận lợi có thể thu hồi vốn nhanh chóng. Và việc đầu tư vào các dự án này hiện nay đang thực sự có cơ hội là dễ lấy mặt bằng. Đây vốn là trở ngại lớn nhất, chiếm không dưới 70% vốn đầu tư cho một khu vui chơi giải trí, nhưng hiện đang có chi phí rẻ đáng kể do địa ốc đóng băng, nhiều diện tích mặt bằng bị bỏ hoang để cỏ dại mọc.

Với một khu đất khoảng 200 m2 đã có sẵn nhà tiền chế thì tiền đầu tư vào đồ chơi mất khoảng 300 triệu đồng. Còn nếu đó là 200 m2 đất trống thì cần đầu tư 560 triệu đồng, trong đó có 260 triệu đồng chi phí xây dựng và 300 triệu đồng tiền mua đồ chơi. Với số vốn này chỉ trong vòng nửa năm, còn nếu khai trương vào dịp hè, lễ tết thậm chí chỉ cần 3 tháng là chủ đầu tư sẽ thu hồi được vốn.

Thuận lợi trong việc kinh doanh này còn nằm ở chỗ đầu tư chỉ cần một lần, khai thác trong thời gian dài (khoảng 12 năm), vận hành đơn giản, dễ bảo trì, bảo quản và áp dụng cho nhiều diện tích cũng như hình dạng đất khác nhau. Với cách thức này, các nhà đầu tư bất động sản ế ẩm vài trăm hay vài ngàn m2 đất đai hoàn toàn có thể vào cuộc.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Trâm, Giám đốc của New Play Yard thì với những nhà đầu tư muốn khai thác thị trường này lâu dài, có thể sử dụng mô hình đầu tư vượt ngưỡng cạnh tranh. Dự án này sẽ cần đầu tư một khu vui chơi trẻ em đủ lớn, ví dụ như tại trung tâm thị xã, thành phố, nếu có khoảng 1.500 m2 đất và vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng trở lên là có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của vùng này. Với xu thế này, đầu tư vào khu vui chơi giải trí trong bối cảnh địa ốc đang đóng băng có thể phần nào giúp cho thị trường có lối thoát.

Theo Hoàng Hoa

ngatt

Doanh Nhân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên