Mất liên lạc 4 phút, máy bay Jetstar Pacific phải hạ cánh lần 2
Ngày 26-7, Phó cục trưởng cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng xác nhận về sự cố điều hành không lưu xảy ra đối với chuyến bay PIC522 của hãng hàng không Jestar Pacific từ TP HCM đi Vinh đêm 23-7.
- 25-07-2014Có nên đi máy bay nữa không?
- 24-07-2014Chọn vị trí ghế ngồi để ‘sống sót’ sau tai nạn máy bay, tại sao không?
- 21-07-2013VJ xinh đẹp Sĩ Thanh kể về công việc ít người biết - Kiểm soát không lưu
- 12-07-2014Máy bay suýt đâm nhau: Thu giấy phép kíp trưởng kiểm soát không lưu
- 12-07-2014Không lưu nhầm lệnh, máy bay suýt va chạm trên đường băng
Theo đó, vào lúc 22 giờ 30 ngày 23-7, đài kiểm soát tiếp cận hạ cánh đã cấp huấn lệnh cho máy bay tiếp cận sân bay, cơ trưởng báo nhận và thực hiện giảm độ cao để đáp xuống đường băng sau 10 phút.
Tuy nhiên, trong lúc tiếp cận sân bay, mọi tín hiệu liên lạc giữa tổ lái và kiểm soát không lưu đột nhiên bị gián đoạn. Tổ lái gọi đài kiểm soát nhiều lần trên tần số điều hành và tần số khẩn nguy nhưng đều không thấy đài không lưu trả lời. Do đó, phi công phải bay lên rồi vòng lại thực hiện tiếp cận hạ cánh lần 2.
Trong lúc này, kiểm soát viên không lưu (KSVKL) ngồi trong đài chỉ huy vẫn tiếp tục quan sát màn hình radar và nói vào micro để hướng dẫn phi công hạ cánh.
Sau vài phút không nhận được tín hiệu trả lời của phi công, Đài chỉ huy phát hiện liên lạc bị mất tín hiệu một chiều do KSVKL thao tác chưa chuẩn khi bấm micro. Vì thế, KSVKL vẫn ra huấn lệnh nhưng sóng không được phát lên, thiết bị trên máy bay không thu được.
Đến 22 giờ 44, Đài chỉ huy nối lại được liên lạc với PIC522 trên tần số điều hành thì tổ lái thông báo họ đang thực hiện bay lại. Chuyến bay PIC522 hạ cánh an toàn xuống sân bay Vinh lúc 22 giờ 58 phút, chậm 13 phút so với lịch trình dự kiến do phải tiếp cận hạ cánh lại.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có báo cáo sự cố về Cục Hàng không, xác định nguyên nhân sự cố là do sự lúng túng trong việc sử dụng thiết bị nghe nói của KSVKL. Đáng lưu ý là KSVKL này là người có kinh nghiệm công tác, có đủ năng định, giấy phép nên được điều từ Nội Bài vào Vinh để tăng cường, hỗ trợ.
Khi chuyển vào Vinh, nhân viên này đã vượt qua các kỳ thi chứng chỉ ở sân bay Vinh theo đúng quy định để hiểu điều kiện khai thác và phương thức hoạt động ở sân bay Vinh. Cả 2 KSVKL trực điều hành ngày 23-7 đã bị đình chỉ không thời hạn để làm kiểm điểm. Riêng Đài trưởng, Đài phó bị đình chỉ nhiệm vụ 15 ngày để kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Đinh Việt Thắng cho biết sự cố này được xếp vào loại D, có gây uy hiếp an toàn bay nhưng không phải ở mức độ nghiêm trọng (sự cố không lưu được xếp loại theo mức độ giảm dần là A, B, C, D, E). Toàn bộ băng ghi âm và tài liệu liên quan đã được chuyển về Cục Hàng không để xác minh, làm rõ.
Trước đó, ngày 27-6 tại sân bay Đà Nẵng, một nữ KSVKL thực tập đã gây sự cố nghiêm trọng khi ra huấn lệnh cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trong khi một máy bay khác của Vietnam Airlines chưa ra khỏi đường băng. Hàng hoạt cán bộ đã kỷ luật, phạt hành chính về sự cố này sau khi giảng bình, rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống.
Theo Tô Hà