Mô hình 4 nhà hiệu quả nếu không vì lợi ích riêng
Nếu làm được sự liên kết giữa 4 nhà này thì chắc chắn vòng luôn chuyển dòng tiền của các đơn vị sẽ tốt hơn, và hiệu quả sử dụng đồng vốn trong đầu tư cũng tốt hơn.
- 31-05-2013Liên kết “4 Nhà” giải phóng tồn kho bất động sản
- 27-03-2014Bản chất gói 50.000 tỷ “cứu” bất động sản
- 25-03-2014Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là đòn bẩy cho thị trường BĐS?
- 22-03-2014Ra mắt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho BĐS
- 25-03-2014T.S Lê Xuân Nghĩa: Sắp tới còn có gói tín dụng cho BĐS “khủng” hơn 50.000 tỷ
Đánh giá về phương thức liên kết 4 Nhà (gồm Nhà đầu tư –Nhà Thầu –Nhà cung ứng VLXD-Nhà băng) trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng đây là một phương thức tốt nhưng giữa các Nhà này không có sự tôn trọng luật chơi, không có đạo đức nghề nghiệp, chỉ toan tính lợi ích cho riêng mình thì ông e ngại sự liên kết này không bền vững lâu dài.
Trao đổi với báo chí ông Lê Hoàng Châu đã có những chia sẻ xung quanh mô hình liên kết này, đang được nhiều chủ dự án áp dụng trong hoạt động kinh doanh BĐS hiện nay.
Thưa ông, vừa qua mô hình liên kết “4 Nhà” trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản được công bố với dự kiến gói tín dụng lên tới 50.000 tỷ, vậy ông có đánh giá gì về phương thức này?
Ông Lê Hoàng Châu: Thực chất, trước đây Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng đã phối hợp với BIDV đưa ra sáng kiến liên kết này trong lĩnh vực BĐS. Mô hình này gồm Nhà Đầu tư –Nhà Thầu –Nhà cung cấp VLXD, thiết bị -Nhà Băng. Nếu làm được sự kiến kết giữa 4 nhà này thì chắc chắn vòng luôn chuyển dòng tiền của các đơn vị sẽ tốt hơn, và hiệu quả sử dụng đồng vốn trong đầu tư cũng tốt hơn, và giảm thiểu được rủi ro cho ngân hàng khi cung cấp tín dụng cho các đối tác.
Như vậy, chúng ta có thể thấy về mặt xã hội là có lợi để giúp cho giá VLXD đưa vào công trình có giá tốt nhất khi có sự liên kết, có hậu thuẫn của ngân hàng nên tính thanh khoản được bảo đảm. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ quan điểm có một sự liên kết giữa 4 nhà này. Nhưng chúng tôi ủng hộ theo tinh thần liên kết tự nguyện theo cơ chế thị trường và nhắm đến lợi ích chung.
Như ông nói là Hiệp hội BĐS Tp.HCM và BIDV đã có ý tưởng liên kết 4 nhà từ trước, vậy mô hình này hiện nay hoạt động như thế nào, thị trường phản ứng ra sao?
Ông Lê Hoàng Châu: Ban đầu mô hình liên kết này được chia làm 2 gói. Gói đầu tiên là Nhà thầu –Chủ đầu tư –Ngân hàng, gói thứ hai là Nhà đầu tư –Nhà cung ứng –Nhà băng. Mỗi gói dự kiến là khoảng 30.000 tỷ. Nhưng sau đó gộp với nhau thành 1 gói liên kết 4 nhà với 4 chủ thể tham gia.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa có mô hình 4 Nhà được triển khai hiệu quả, mà chỉ xuất hiện mô hình 3 nhà là Chủ đầu tư –Nhà thầu - nhà băng.
Với mô hình 4 nhà mà Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Thiên Thanh mới công bố là tham vọng của các bên để tạo ra một phương thức mới, một cách làm mới với mong muốn hợp tác đầu tư hiệu quả. Vì vậy, giá thành BĐS sẽ giảm xuống nếu ta tiết kiệm được đồng vốn, giúp dòng luôn chuyển tiền tệ được thông suốt từ đó có thể xử lý nợ xấu.
Nhiều người cho là gói tín dụng 50.000 tỷ mới được giới thiệu chỉ là sự cam kết, và là “ảo”, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Hoàng Châu: Nói là “ảo” bởi chưa có ký kết, nhưng đó sẽ là thật khi có những hợp đồng ký kết ở từng dự án, từng gói tín dụng một. Nói là “ảo” bởi vì ta đang dự kiến một phương thức hoạt động như thế nhưng bây giờ để biến thành hiện thực thì phải có sự tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác.
Hiện nay ngân hàng nói rằng sẽ có gói tín dụng 50.000 tỷ nhưng mọi thứ chỉ rõ ràng khi thể hiện trên hợp đồng tín dụng, có những tiêu chuẩn vay vốn cụ thể. Nhưng quan trọng ai là người trung gian kết nối lại với nhau, trước đây, BIDV cũng đã giữ vai trò mô hình này khá tốt. Hoặc như gói hỗ trợ DN do UBND Tp.HCM vừa rồi kết nối đạt được con số 2013 là 12 nghìn tỷ, năm 2014 dự kiến là 20 tỷ. Đây là sự kết nối rất tốt trên thị trường Tp.HCM nhưng gói này chủ yếu dành cho DN vừa và nhỏ, hàng sản xuất tiêu dùng.
Vì thế chúng tôi hy vọng, thời gian tới nếu gói tín dụng này có sự liên kết giữa 4 nhà sẽ có tích cực với các dự án BĐS.
Cái lợi lớn nhất là hiệu quả sử dụng đồng vốn, nếu sử dụng tốt thì giá thành BĐS về nguyên tắc có thể giảm xuống, bởi có thể giảm chi phí lãi vay, không phải nợ lòng vòng, rút ngắn được thời gian thi công, sản phẩm không bị đội chi phí do lãi vay…
Mô hình này liệu có lấy lại được niềm tin cho thị trường khi người dân đang mất niềm tin ở rất nhiều dự án?
Ông Lê Hoàng Châu: Với cách làm này có thể sẽ làm giảm được sự mất lòng tin đó. Chúng ta cũng đang nhận thấy thị trường BĐS đang có sự hồi phục, trước hết là phân khúc căn hộ diện tích vừa và nhỏ giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, đối tượng mua để ở, nhà đầu tư “lướt sóng” rất ít.
Cách làm này lành mạnh hóa thị trường, có điều giữa các nhà này không có sự tôn trọng luật chơi, không có đạo đức nghề nghiệp, chỉ toàn tính lợi ích riêng cho mình thì e ngại sự liên kết này không bền vững lâu dài.
Theo ông, thị trường BĐS có khởi sắc hơn khi áp dụng mô hình liên kết này?
Ông Lê Hoàng Châu: BĐS khởi sắc hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất là “lòng tin” của người tiêu dùng, của DN; thứ hai là phải có thể chế. Vừa rồi Luật đất đai đã thông qua; Luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS đang sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn…từ đó sẽ hình thành một hành lang pháp lý tốt cho thị trường.
Ngoài ra, việc mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài, cho loại hình sở hữu nhà ở có thời hạn, việc sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ giúp giảm giá BĐS,…những thay đổi này sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững hơn.
Xin cám ơn ông!
Phạm An (ghi)