Mùa cưới 'liệu cơm gắp mắm' của công nhân thời khó
Giảm chi cho ảnh cưới, giảm tiệc, giảm khách mời được áp dụng triệt để.
- 01-10-20135 chi phí xa xỉ cho siêu đám cưới của con trai Phó chủ tịch Sudico
- 29-06-2013Việt Nam: Dịch vụ đám cưới giúp kích cầu nền kinh tế
- 21-01-2013Lại một dự án 11.000 tỷ xây rạp biến thành nơi tổ chức đám cưới
- 04-10-2012Hà Nội chính thức quy định đám cưới không mời quá 300 người
Nội dung nổi bật:
- Kinh tế khó khăn, nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí được các cặp đôi công nhân áp dụng từ giảm chi cho ảnh cưới, giảm tiệc, giảm khách mời.
Giảm chi từ tấm ảnh cưới
Minh Ánh, chủ tiệm áo cưới mang tên mình trên đường tỉnh lộ 10, khu vực ngã tư Bà Hom, TP.HCM cho biết, những năm trước, nhiều cặp công nhân chọn gói album từ 3 – 4 triệu đồng gồm: áo cô dâu, chú rể, trang điểm, chụp hình tiệc 50 tấm, hoa cưới, hình lớn, album có bao da, có đĩa lưu hình và một album nhí tặng thêm thì năm nay, nhiều cặp đã chọn giải pháp tiết kiệm bằng cách không làm album, chỉ làm một tấm hình lớn đặt trước cổng hoa ở nhà hàng mà thôi.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng tiết kiệm, chụp mỗi tấm hình lớn thì số tiền tiết kiệm cũng không được bao nhiêu. Vì chụp một hay nhiều thì chi phí cũng phải tính đến công trang điểm, tiền áo cô dâu, áo vest… nên giá cho một tấm hình cỡ 50 x 70cm cũng cả triệu. Trên tinh thần đó, có thể chọn gói rẻ nhất khoảng 1.900.000 đồng, bao gồm: một tấm hình to (50x70cm), mười tấm cô dâu chú rể, 50 tấm hình tiệc, một áo cô dâu, một áo chú rể, một lần trang điểm tại tiệm và một bó hoa tươi.
Coi như, vừa có hình cưới vừa không phải tốn thêm cho khoản áo xống và trang điểm. Tuy nhiên, Minh Ánh nói thêm, dù giảm giá đến mức không thể giảm thêm đồng nào nữa, số lượng khách của tiệm so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm đi gần 40%.
Đến giảm tiệc và giảm khách mời
Quanh khu vực ngã tư Bà Hom có nhiều nhà hàng chuyên phục vụ đám cưới công nhân. Mở ra từ thời công ty Pouyuen mới thành lập như nhà hàng Nhất Lan hay Hoàng Vũ thì Phượng Hoàng, Đại Nam, Hoài Phương và Sơn Dương quán là những nơi công nhân khu vực này tìm đến để tổ chức tiệc cưới.
Trong không gian và cách trang trí bình dân, một bàn tiệc rẻ nhất với bốn món mặn và một tráng miệng giá từ 1.200.000 đồng/bàn (chưa tính tiền bia và nước ngọt). Cũng chuyên cho tiệc cưới công nhân, các nhà hàng khu vực bến xe Lam Hồng, Dĩ An, Bình Dương giá cũng từ 1 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, nếu thực sự khó khăn và chọn món ăn khiêm tốn, nhà hàng cũng có thể chấp nhận đặt bàn với giá 800.000 – 900.000 đồng/bàn.
Cô Vân, chủ nhà hàng Nhất Lan cho biết, do công nhân hầu hết sống xa quê, nhiều cặp không có cha mẹ, hay “người lớn” tham dự. Chủ yếu trong bạn bè, người cùng nhà máy, phân xưởng nên tiệc cưới thường không quá đông khách, dao động trên dưới mười bàn. Có đôi, chỉ tổ chức nhỏ gọn với ba bàn tiệc. Tuy nhiên, dù ít bàn mấy thì hai bên vẫn phải thoả thuận để nhà hàng cung cấp các “quà tặng” kèm theo như MC, ban nhạc, pháo bông, bánh kem... để đôi trẻ quay phim, chụp ảnh mà gửi về quê.
Người phụ trách nhà hàng Hoàng Vũ tiết lộ, có thể do đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, tiền mừng cưới luôn là một gánh nặng cho nhiều người nên có cặp, nhận đến 200 thiệp mời (tương ứng với 20 bàn) nhưng chỉ đặt nhà hàng 12 bàn thôi, vậy mà có khi, khách đến dự cũng không đủ.
Cố gắng không mang nợ
Khi kinh tế quá khó khăn, áp lực tổ chức một đám cưới “cho giống người ta” khiến nhiều đôi đau đầu. Không tính tiền trang sức và chi phí tổ chức cưới ở quê, nhiều đôi, chỉ với 15 triệu đồng nhưng biết vén khéo và liệu cơm gắp mắm, tận dụng hết những dịch vụ tặng thêm của nhà hàng và studio thì tiền mừng sẽ vừa đủ cho phần chi. Kể hết những chi phí, xoay xở trong đám cưới của mình xong, Hưng nói vui: “coi như sau event này, em lời được một cô vợ chị ạ”.
Vài đôi, lại quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, không màng đến thực khách của mình ăn gì. Đây cũng là một nét khác so với các thế hệ công nhân đầu tiên ở Pouyuen.
Theo Gia Hòa