MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua nhà qua sàn: Mắc lừa là…chuyện bình thường

Vài năm trở lại đây, Hà Nội và nhiều thành phố lớn xuất hiện loại hình kinh doanh “sàn bất động sản”.

Những người có chút kiến thức, có chút kinh tế và “máu” đầu tư bất động sản, họ tìm đến “sàn” để “săn” cơ hội làm giàu.

“Sàn” hay… trung tâm môi giới ?

Có ngót nghét 2 tỷ đồng, chị Lan, bác sỹ tại một bệnh viện ở Hà Nội nghe theo lời khuyên của bạn bè, lên mạng internet “săn” dự án bất động sản. Mối quan tâm hàng đầu là chung cư, chị đã dễ dàng tìm được thông tin rao bán một căn hộ chung cư của một đơn vị thuộc Bộ Công an; vị trí ở huyện Từ Liêm. Doanh nghiệp rao bán là sàn bất động sản K.V, trụ sở ở quận Đống Đa. Theo địa chỉ trên trang web, chị Lan tìm đến đặt vấn đề mua chung cư và nhận được đề nghị của nhân viên sàn K.V: “đặt cọc 50 triệu đồng để họ cử người đưa đến làm hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư”.

“Dự án của chúng em sắp khởi công rồi. Nhà đầu tư như chị sẽ phải đóng tiền làm 4 đợt. Khu Từ Liêm mà có nhà chung cư 2 tỷ đồng là hiếm lắm đấy, chị nên quyết nhanh đi”, cô nhân viên của Công ty T.L - chuyên doanh xây dựng - mà nhân viên “sàn” K.V đưa chị Lan đến, nói như rót mật. “Nhà thì tôi ưng rồi, nhưng công ty có thể cho tôi xem qua giấy tờ pháp lý?”, chị Lan cẩn thận hỏi. Giải thích, phân trần vòng vo, rốt cuộc phía Công ty xây dựng T.L không đưa ra được bất cứ giấy tờ pháp lý nào.

Thấy phi vụ đầu tư này có tỷ lệ… rủi ro cao, chị Lan quyết định rút lui, quay về “sàn” K.V đòi lại tiền đặt cọc. Thế nhưng việc đòi lại tiền không dễ, bởi lý do mà “sàn” K.V đưa ra là đã nộp 50 triệu cho Công ty T.L để đăng ký suất mua chung cư cho chị Lan. Chỉ đến khi bị chị Lan “dọa” sẽ đưa vụ này ra tòa, phía “sàn” K.V mới xuống nước với lời hứa: sẽ tìm, giới thiệu cho chị Lan mua căn hộ chung cư khác. Song đã 5 tháng qua, lời hứa ấy vẫn chưa được thực hiện.

Dễ tin người như “sàn”

Một màn chào bán “liều lĩnh” liên quan đến cái gọi là “Chung cư mini Petromaning”, hay “Chung cư Trần Duy Hưng”. Ngày 15-5, chúng tôi tìm đến 2 “sàn” bất động sản ở Hà Nội từng chào bán chung cư này. Nó nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy, đối diện mặt sau của siêu thị BigC. Tuy nhiên, phải hỏi thăm “gãy lưỡi” chúng tôi mới tìm được vị trí của “Chung cư mini Petromaning”, bởi nó vẫn đang là khu đất trống; một nửa lối vào được quây tôn. Dấu hiệu duy nhất của “chung cư” là một chiếc máy xúc đỗ giữa bãi đất và cạnh đó là cái lán trại nhỏ có một thanh niên đang ngủ.

Vậy mà từ đầu năm 2011 đến nay, người ta đã rao bán ầm ĩ trên mạng internet các căn hộ ở chung cư mini này. Một trong những doanh nghiệp rao bán “chắc nịch” nhất là “sàn” bất động sản Hà Thành, trụ sở ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Theo những lời quảng cáo, “Chung cư mini Petromanning” là dự án của Công ty CP Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam; cao 16 tầng, cách siêu thị BigC 100m và thông ra ngõ nhìn ra tòa tháp Chamvit Tower trên đường Trần Duy Hưng.

Giá gốc rao bán 27 triệu đồng/m2 với diện tích các căn hộ từ 50,23m2 đến 56,72m2, 2 phòng ngủ độc lập. Có tầng hầm để xe máy, ô tô, siêu thị, văn phòng tại tầng 1, 2. Người mua sẽ phải nộp tiền làm 4 đợt và đến năm 2012 sẽ nhận nhà. Với những thông tin “hot” như vậy, cứ thế giá nhà của “Chung cư mini Petromanning” nhảy múa theo ngày, lên tới 32 - 33 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.

Sự việc chỉ vỡ lở khi CQĐT CAQ Thanh Xuân vào cuộc. Đại diện Petromanning khẳng định họ không hề bán, mới đang chuẩn bị khởi công và đơn vị nào bán là do trách nhiệm bên đó. Vị đại diện này quả quyết thông tin mà “sàn” bất động sản Hà Thành đưa ra là hoàn toàn giả mạo. “Sàn” Hà Thành không hề có hợp đồng, không hề có chữ ký của bên phía Công ty Petromanning. Còn phía “sàn” Hà Thành, lại trả lời câu hỏi liên quan đến dự án bằng… câu hỏi ngược: “Thế họ vẫn chưa xây à? Đất vẫn bỏ trống à?”.

Quá trình điều tra ban đầu, CAQ Thanh Xuân xác định sở dĩ “sàn” Hà Thành mạnh dạn rao bán căn hộ chung cư Petromanning là do đã tin vào lời quảng cáo của một đối tượng tên Thành. Đối tượng Thành khoe đã ký thỏa thuận góp vốn với Công ty CP Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam để có quyền mua căn hộ ở chung cư Petromanning, sau đó bán lại cho “sàn” Hà Thành để ăn chênh lệch. Bước đầu, CAQ Thanh Xuân nhận định “sàn” Hà Thành cũng đang là bị hại (!).

Đỉnh điểm và mang tính thời sự cho nhận định “giao dịch qua sàn” không ít rủi ro” mà chúng tôi đưa ra chính là vụ án “Công ty Indochina lừa bán đất dự án ở Dương Nội, Hà Đông. Nhóm 4 “siêu lừa” đều là người Việt nhưng đặt tên công ty bằng tiếng nước ngoài để… lừa cho dễ. Sau đó, chúng làm giả giấy tờ pháp lý của cơ quan chức năng về dự án trong khu vực Dương Nội và tung thông tin về dự án lên “sàn” bất động sản. Bằng thủ đoạn này, nhóm lừa Công ty Indochina đã chiếm đoạt được tiền tỷ của nhiều nhà đầu tư. Và hiện, chúng đang bị CQĐT Bộ Công an tạm giam để điều tra, xử lý…

Theo Hoàng Quân

An Ninh Thủ Đô



ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên