MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm mới, Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ về Chiến lược nhà ở và giải pháp “phá băng” BĐS

Phía trước còn rất nhiều khó khăn, không có con đường nào là trần trụi, nhưng chúng ta vẫn phải tự tin phát triển.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi gặp gỡ giới báo chí nhân dịp chào đón năm mới 2014. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hệ thống pháp luật liên quan đến ngành xây dựng và BĐS còn quá nhiều bất cập, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này là cơ hội cho Bộ nhìn thấy mình rõ hơn, cả ở những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế để có biện pháp khắc phục. Nhiều văn bản nói là sửa đổi nhưng gần như phải làm lại.

Hoàn thiện “Chiến lược nhà ở” vào năm 2011 là một bước ngoặt lớn về việc phát triển nhà ở đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Chiến lược này đã khắc phục được vấn đề của ngành BĐS đó là tình trạng coi quá nặng nhân tố thị trường trong phát triển nhà ở mà coi nhẹ sự can thiệp của Nhà nước để cải thiện nhà ở cho người dân.

Do đó, 2 loại nhà ở được hình thành rõ nét đó là: Nhà ở thị trương và nhà ở thị trường phi hàng hóa (nhà xã hội –PV). Với quan điểm của Chiến lược nhà ở như vậy, Bộ trưởng nêu rõ, trách nhiệm này là của Nhà nước, từ đó, cụ thể hóa Chiến lược này bằng một loạt chính sách cụ thể:

Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội đã được Chính phủ thông qua vào cuối năm, rồi Nghị định nhà tái định cư, Nghị định nhà sở hữu Nhà nước,…Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 vào đầu năm, gồm hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

“Đó là những hành lang pháp lý rất quan trọng để phát triển nhà ở có kế hoạch có quy hoạch, là môi trường hết sức quan trọng để huy động các nguồn lực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Do vậy, các cơ quan, địa phương có kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể, đưa việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị”. Bộ trưởng nói.

Nói đến sự ra đời của Nghị định 188, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là một sự cụ thể hóa hành lang pháp lý rất quan trọng, nó thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với vấn đề nhà ở cho người nghèo trong xã hội. Thực hiện chính sách này thì những người thu nhập thấp ở đô thị lớn có thể mua nhà thấp hơn khoảng 30-40% so với giá thị trường, thay vì trước đây phải nhờ người này, người khác mua với giá rất cao, bởi giá khi đó là giá ảo, giá người dân mua còn cao hơn giá thực của thị trường.

“Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ tín dụng từ gói 30.000 tỷ, cá nhân, doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi. Nhiều người vẫn cứ lầm tưởng đây là gói tín dụng “cứu” BĐS nhưng không phải, gói tín dụng này đã được đề xuất từ trước khi thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở. Nếu thực hiện tốt chính sách này sẽ gián tiếp vực dậy thị trường BĐS, chứ không phải gói 30.000 tỷ có tác động trực tiếp vào thị trường.” Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng, cụ thể hơn, Nghị định 188 còn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải dành 3% dư nợ tín dụng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường để cải thiện nhà ở cho người dân. Và đây là chính sách  nhất quán, kể cả sau này thị trường BĐS phục hồi thì vẫn phải thực hiện chính sách này.

“Hiện nay Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2000-3000 USD/ người, sau này có tăng lên 400-5000 USD thì vẫn tiếp tục có hỗ trợ tín dụng như vậy, cũng giống như các nước phát triển, họ cho người dân vay mua nhà với lãi suất thấp hơn nhiều so với chúng ta.” Bộ trưởng cho  biết thêm.

Một số pháp lý khác như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng gần như phải làm lại. Trong đó, tư duy mới về phát triển thị trường BĐS bền vững được đặt ra:

Thứ nhất, khắc phục tư tưởng thị trường hóa cũng như nhà nước hóa. Một đằng coi thị trường là xương sống coi nhẹ sự điều tiết của Nhà nước, nhưng đằng khác vai trò của Nhà nước can thiệp quá mức để làm sai lệch quy luật của thị trường thì hai tư tưởng này đều phải loại bỏ. Thứ hai, yêu cầu đầu tư phát triển phải có quy hoạch và kế hoạch. Thứ ba, tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.

“Những vấn đề lớn đã được đại biểu quốc hội ủng hộ, Chính phủ ủng hộ,..còn những vấn đề nhỏ cũng vẫn còn tranh cãi. Nếu những Luật này được thông qua sẽ có bước tiến mới, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững hơn, góp phần tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Vấn đề lớn thứ hai trong năm qua là việc “tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”, khắc phục tình trặng lệch pha cung cầu BĐS, bằng việc tăng cung nhà xã hội, giảm cung nhà ở cao cấp. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn một cách đồng bộ đến nay thị trường đã có những phản ứng tích cực.

“Thứ nhất, giá BĐS đã giảm đến giá trị người dân chấp nhận được, còn đến giá trị thực thì chưa biết. Giảm 10-20%, 30% thậm chí có nơi 50%. Người dân chấp nhận được là thể hiện giao dịch tăng lên. Ở HN, quý 4 có tới 3000 giao dịch thành công, và gấp 6 lần giao dịch của quý 1”, Bộ trưởng chia sẻ

Như vậy, giao dịch thực sự đã tăng lên trong năm vừa qua, nhà xã hội ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí là nhà ở cao cấp cũng đã có giao dịch ở một số dự án.

Bộ trưởng nhận định: “mặc dù năm 2014 sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế ở mức cao hơn 5,8% Quốc hội đã thông qua thì chắc chắn giao dịch BĐS sẽ tăng, thị trường BĐS sẽ dần dần được tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, góp phần tăng đời sống cho nhân dân. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, không có con đường nào là trần trụi, nhưng chúng ta vẫn phải tự tin phát triển.”

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên