Lãi khủng
Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động về mức 8%/năm, với mục tiêu đưa vốn vào nền kinh tế với lãi suất thấp, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vay ở mức cao.
|
Một doanh nghiệp (DN) dệt may tại TP.HCM cho biết khoản vay 50 tỉ đồng tại một ngân hàng (NH) của đơn vị này vẫn phải chịu lãi suất (LS) 16%/năm.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, cũng cho biết những khoản vay của công ty này có LS từ 12,5 - 15%/năm tùy thuộc vào NH. Tính chung trong vòng 10 tháng qua, LS huy động giảm từ 10%/năm xuống còn 8%/năm nhưng LS vay của nhiều DN chỉ giảm nhỏ giọt hoặc không giảm.
LS vẫn còn cao cộng với sức mua yếu nên nhiều DN không mặn với việc đi vay vốn để kinh doanh. “Ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, LS cho vay cao nhất chỉ ở mức 5-6%/năm, còn đa số chỉ ở mức 2-3%/năm. Trong khi đó, LS cho vay của mình vẫn còn phổ biến mức 14 - 15%/năm thì DN khó cạnh tranh nổi. Chi phí đầu vào liên tục tăng cao, đầu ra không tăng giá bán được, cộng với việc phải đối phó với hàng gian hàng lậu khiến DN ngày càng khó khăn. Với điều kiện này thì ngay cả kiếm được lợi nhuận để trả lãi vay cũng không dễ”, ông Cao Tiến Vị chia sẻ.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận xét mức chênh lệch giữa LS đầu vào và đầu ra hiện nay là quá cao. Với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỉ đồng, LS 15%/năm thì DN nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho NH gần 20 tỉ USD, tương đương 1/6 GDP. Đặc biệt, hiện nay tình trạng thanh khoản của các NH đang khá dồi dào thì việc giảm LS cho vay không thể cứ trì hoãn.
Do đó, Chính phủ nên xem xét và có kế hoạch kéo giảm LS để khuyến khích đưa vốn vào nền kinh tế. Còn theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), các NH sẽ có nhiều lý do khác nhau để không giảm LS cho vay. Một trong những lý do là trên thực tế một số NH nhỏ, yếu kém vẫn phải huy động với LS cao hơn 8%/năm, thậm chí lên đến 10 - 10,5%/năm. Vì vậy, dù vẫn có những khoản vay được công bố với LS ở mức 12 - 12,5%/năm nhưng chỉ áp dụng cho vài đối tượng ưu tiên.
Cần tiếp tục giảm lãi vay
Một câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian tới, NHNN có thể điều chỉnh kéo giảm LS huy động tiền gửi nữa hay không. Tại một cuộc hội thảo mới diễn ra tại TP.HCM, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định các NH đang dồi dào về lượng tiền mặt nên vấn đề thanh khoản đã được củng cố. Vì vậy, LS ngắn hạn sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm và nợ xấu đến cuối năm 2013 sẽ còn khoảng 4-5% tổng dư nợ. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cho cả năm nay, Chính phủ cần tiếp tục giảm LS và đẩy mạnh xử lý nợ xấu để dòng vốn không bị “nghẽn”. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh để DN đang vướng nợ xấu hoặc có mức tín nhiệm thấp có thể tiếp cận vốn nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cho rằng khả năng giảm thêm LS tiền gửi là khó, vì hiện Chính phủ đang kiểm soát với mức kỳ vọng lạm phát năm nay là 7 - 8%/năm nên không thể áp đặt thêm mệnh lệnh hành chính để giảm LS đầu vào. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là các NH không thể giảm LS cho vay. Bởi tình trạng NH đối diện với “tồn kho” vốn là đang có. Muốn giảm LS xuống thì các NH phải minh bạch hoạt động, minh bạch nợ xấu và quản trị chi phí tốt hơn.
Một chuyên gia tài chính NH cũng nhận xét, không cần thiết phải giảm LS đầu vào xuống nữa mới có thể giảm LS cho vay. Bởi như đã phân tích, dư địa kéo giảm LS cho vay của các NH vẫn còn rộng. Quan trọng nhất là bản thân các NH có muốn đẩy mạnh cho vay đối với các DN hay không và việc giảm LS ở mức độ nào còn phụ thuộc vào quá trình xử lý nợ xấu của NHNN.
Theo Mai Phương
Thanh niên