MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt 'thèm khát' thị trường Myanmar

04-07-2014 - 13:51 PM |

Sau BIDV và Vietinbank, hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự thâm nhập của mình tới mảnh đất “màu mỡ” đầy tiềm năng là Myanmar.

3 ngân hàng Việt mở văn phòng đại diện tại Myanmar

Ngày 2/7/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar.

Theo HDBank, văn phòng đại diện này sẽ đặt tại thành phố Yangon, với thời hạn hoạt động 30 năm. Được biết, trong thời hạn 24 tháng, HDBank sẽ phải hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định của nước sở tại để được cấp giấy phép thành lập và khai trương hoạt động Văn phòng đại diện.

Trước HDBank, đã có 2 ngân hàng đi tiên phong trong việc thành lập văn phòng đại diện tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cụ thể, ngày 9/3/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở văn phòng đại diện tại Myanmar tại Yangon, Myanmar. BIDV đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar từ tháng 4/2010.

Ngày 5/8/2013, Vietinbank cũng đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chính thức của Bộ Kế hoạch và phát triển Myanmar cho văn phòng đại diện tại Myanmar trong thời hạn 5 năm (2013-2018).

Cuối tháng 6/2014, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn trả lời ý kiến của Thủ tướng về chủ trương xin đầu tư ngành ngân hàng tại Myanmar của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, Thủ tướng chấp thuận và yêu cầu BIDV xin phép theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

Chính phủ yêu cầu BIDV xây dựng Đề án xin cấp phép đầu tư ngân hàng tại Myanmar, trình Ngân hàng Nhà nước xem xét và tuân theo các thủ tục của nước sở tại.

Được biết, BIDV đã đưa ra ý tưởng mở ngân hàng 100% vốn ở Myanmar trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Myanmar tại Việt Nam hồi tháng 5. BIDV cũng đã thuê 3.000 m2 mặt bằng của Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon làm trụ sở, đầu tư nhân sự, hệ thống để sẵn sàng lập ngân hàng ngay khi được nước này cấp phép.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) cũng đã chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi thường ví rằng, Myanmar là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á. Trước đây, Myanmar như một cô gái đẹp trong rừng sâu, còn nay, Myanmar như một cô gái đẹp dưới ánh đèn sân khấu”.

Ngân hàng nước ngoài “đổ xô” đến Myanmar

Việc 3 ngân hàng Việt đi “tiên phong” trong quá trình thâm nhập thị trường màu mỡ này là một bước tiến cho quá trình hội nhập của ngành ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, khi mà ngay thị trường trong nước còn đang có sự cạnh tranh khốc liệt, liệu các ngân hàng Việt có thể cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế.

Ngày 28/6, Ngân hàng Trung ương Myanmar cho biết sẽ cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại quốc gia này bắt đầu từ tháng 9 tới. Theo ông U Set Aung, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar, sẽ có ít nhất 5-10 ngân hàng nước ngoài có văn phòng đại diện tại Myanmar sẽ được chọn lựa để cấp phép.

Các ngân hàng này sẽ phải có vốn ít nhất 75 triệu USD (tương đương 1.600 tỷ đồng), trong đó 40 triệu USD sẽ đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Myanmar.

Được biết, các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Myanmar đã bị quốc hữu hóa sau khi quân đội lên nắm quyền từ năm 1963. Nhiều năm cô lập tách khỏi cộng đồng quốc tế và bị chế tài kinh tế và thương mại cũng gây phương hại cho sự phát triển của khu vực ngân hàng.

Theo website của Ngân hàng Trung ương Myanmar, nước này hiện có 22 ngân hàng tư nhân, 3 ngân hàng nhà nước và 35 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Myanmar.

Ngân hàng Việt “thèm khát” thị trường Myanmar (1)
Danh sách 35 ngân hàng nước ngoài có văn phòng đại diện tại Myanmar

Nhiều ngân hàng địa phương lo ngại việc tham gia của các ngân hàng nước ngoài sẽ mang đến sự cạnh tranh gay gắt hơn do ưu thế của các đối thủ này trong vốn, công nghệ và nhân lực.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực ngân hàng của Myanmar vẫn còn kém phát triển rất nhiều. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy chỉ có 4% trong số khoảng 61 triệu người có tài khoản ngân hàng hay tài khoản tiết kiệm.

Hệ thống tài chính của Myanmar vẫn còn khá giản đơn so với những tiêu chuẩn quốc tế. Quốc gia này gần đây mới có chiếc máy ATM đầu tiên và thẻ tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi.

>> Bầu Đức đối đầu với nhiều đại gia địa ốc ngoại ở Myanmar

Theo Nguyễn Quang

anhnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên