Ngành ngân hàng: M&A là con đường duy nhất
Trong những ngày qua, các ngân hàng (NH) thương mại đua nhau báo lãi, kể cả các NH nhỏ, yếu kém cũng ồ ạt đưa ra con số lợi nhuận.
- 14-08-2014Đề xuất bỏ kê khai thông tin cá nhân trong các giao dịch tại ngân hàng
- 14-08-2014Ngân hàng Mỹ tuyển cựu thí sinh Next Top Model làm giám đốc
- 14-08-201476% ngân hàng thương mại Việt Nam lo ngại về nợ xấu
- 12-08-2014Chưa đánh thuế với lãi tiền gửi ngân hàng
- 11-08-201410 ngân hàng tập nâng mức tạ mới
Trong những ngày qua, các ngân hàng (NH) thương mại đua nhau báo lãi, kể cả các NH nhỏ, yếu kém cũng ồ ạt đưa ra con số lợi nhuận. Tuy nhiên, xét đến yếu tố trích lập dự phòng có thể thấy rõ, tỷ lệ nợ xấu của các NH nhỏ đang từng bước lộ dần rủi ro gia tăng.
Lợi nhuận sụt giảm
Do phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 100% lợi nhuận thuần nên NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) báo lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý II. So với quý I, báo cáo tài chính quý II của PGBank cho thấy khoản lỗ 11,8 tỷ đồng, dù tín dụng tăng trưởng 2,1% so với đầu năm.
Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của PGBank trong quý II đạt hơn 87 tỷ đồng. Do phải trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, gần 100 tỷ đồng, nên NH này không còn lãi, nhưng lũy kế 6 tháng vẫn lãi được 39,5 tỷ đồng. PGBank cho biết, nợ quá hạn (nhóm 2 đến nhóm 5) đến ngày 30/6 còn hơn 1.700 tỷ đồng, chiếm 12% tổng dư nợ.
Như vậy, sau khi nợ xấu được đưa từ trên 9% về dưới 3% cuối năm ngoái, đến quý I/2014, tỷ lệ này của PGBank lại lên trên 4% và đến nay nợ xấu có xu hướng nhích lên, vì thế đòi hỏi trích dự phòng cao.
Tương tự, nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro, tổng lợi nhuận Ngân hàng Quốc tế (VIB) lên tới 598 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ 2013). Tuy nhiên, do rủi ro từ tín dụng ngày một tăng, đòi hỏi trích dự phòng của VIB đẩy lên con số đáng kể trong nửa đầu năm. Vì thế, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay 323 tỷ đồng vẫn là thách thức đối với VIB.
Trường hợp của NH Quốc Dân (NCB) cũng vậy. Trong 6 tháng chỉ đạt 3,76 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi tín dụng tăng trưởng hơn 32,56% so với cuối năm rồi. Do vậy, mục tiêu 6 tháng còn lại của NCB là thu hồi nợ, thắt chặt quản trị rủi ro để phấn đấu đến cuối năm có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, dù ở mức khiếm tốn 96,3 tỷ đồng trước thuế.
Tuy nhiên, do nợ xấu của NCB vẫn trên mức quy định 3% nên đòi hỏi dự phòng cao. Năm ngoái, NCB cũng chỉ đạt 31,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu tuy đã được các NH kiểm soát, song vẫn trong xu hướng tăng, vì thế dự phòng rủi ro tiếp tục ăn mòn lợi nhuận. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo nhiều NH, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các cổ đông cũng phải chia sẻ. Phó chủ tịch HĐQT một NH cho rằng, khi nợ xấu của ngành còn trong xu hướng tăng, dự phòng rủi ro tín dụng cao thì lợi nhuận khó có thể tốt. Cụ thể, các NH hiện khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ khoản vay cũ.
Vì lúc này, yếu kém của doanh nghiệp mới bộc lộ trước tình hình khó khăn của nền kinh tế. Do đó, NH càng phải trích dự phòng cao, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu hẹp. Bàn về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho rằng, lãi suất hiện đã giảm nhiều và trở về mức năm 2007 - 2008.
Do đó, theo ông Thanh, nếu chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn 1,5 - 2% thì dự phòng đã ăn hết lợi nhuận. Lợi nhuận của NH trong những năm qua đi xuống, thậm chí không đủ trích dự phòng rủi ro.
M&A trước cửa
Trong bối cảnh khó khăn về năng lực tài chính đó, nhiều chuyên gia đánh giá, để nâng cao năng lực của các NH nhỏ, M&A có thể được xem là con đường duy nhất. Và thực tế thị trường thời gian qua đã chứng minh điều đó. Cụ thể, trước sức ép cạnh tranh, các NH nhỏ đành chọn phương án sáp nhập, hợp nhất, bán lại.
NH Đại Á (DaiA Bank) là một điển hình, sau khi cổ đông lớn (ACB, Tập đoàn Tín Nghĩa...) lần lượt thoái vốn, DaiABank đã chọn phương án sáp nhập với HDBank để phát triển tốt hơn, cho dù DaiA Bank không nằm trong diện tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN. Sau sáp nhập, HDBank đã đạt 8.100 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, xét đến yếu tố trích lập dự phòng có thể thấy rõ, tỷ lệ nợ xấu của các NH nhỏ đang từng bước lộ dần rủi ro gia tăng.
Gần đây nhất, VNBC đã phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ toàn diện của NH TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) để tránh đổ vỡ. Nhiều người đồn đoán rằng, sự hỗ trợ chỉ mang tính trấn an dư luận, khả năng VNCB về với Vietcombank có thể xảy ra.
Vì trong điều kiện hiện tại, việc Vietcombank tham gia hỗ trợ một NH yếu tái cơ cấu không như đã tham gia GiaDinhBank trước đây (nay được đổi tên thành VietcapitalBank). Bởi chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cấu trúc và từng bước giảm số lượng NH bằng cách sáp nhập, hợp nhất NH nhỏ, yếu kém.
Trên thực tế, ở ngành tài chính - NH, các hoạt động chuyển nhượng sở hữu chủ yếu được thực hiện qua các cá nhân hoặc DN trong nước. Chưa chứng kiến một thương vụ M&A đích thực nào trong ngành NH cho các tập đoàn nước ngoài do có những rào cản pháp lý về sở hữu đối với nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hiện tượng thâu tóm các NH đã bắt đầu xuất hiện.
Trong diễn đàn M&A được tổ chức gần đây, các chuyên gia tham dự cũng đều khẳng M&A trong ngành NH đang có xu hướng mạnh từ các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản, Ấn Độ... do những bất lợi về thiên tai, cũng như do nền kinh tế các nước này đã phát triển đến độ chín, nên đang có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài để giữ nguồn tiền và mở rộng thị trường.
Hơn nữa, theo Đề án 254 về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua bán theo nguyên tắc tự nguyện, từ đó tăng quy mô và khả năng cạnh tranh.
Do đó, thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục được chứng kiến các thương vụ NH sáp nhập tự nguyện. Ngoài ra, nếu Chính phủ cho phép nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào NH trong nước, như 49% thay vì mức 30% hiện nay, thì đó sẽ là một cơ hội cho nhiều NH vừa muốn tăng năng lực tài chính, vừa muốn nâng cao năng lực quản trị.
Theo Linh Chi