MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên thành viên HĐQT của HAGL nói về chiến lược đầu tư BĐS

Là người kinh doanh cần biết ở đâu có lời thì đầu tư. Vì vậy, HAGL đã bước sang nước Myanma khi mà tất cả mọi người chưa ai nghĩ đến.

Đó là chia sẻ của ông Lê Hùng-nguyên thành viên HĐQT của HAGL, hiện ông đã rời công ty này để công tác tại một đơn vị khác.

HAGL là một tên tuổi lớn trong giới đầu tư địa ốc, quỹ đất của HAGL khá lớn chủ yếu ở Tp.HCM, từ những năm 2000, HAGL đã có lợi thế lớn trong lĩnh vực này, giai đoạn BĐS bùng nổ thì HAGL đã thu một khoản lợi nhuận không nhỏ từ BĐS.

Tuy nhiên, từ 2009 khi BĐS Tp.HCM bắt đầu suy thoái, HAGL dần “rút” khỏi BĐS bằng những tuyên bố làm “sốc” thị trường địa ốc 2 lần quyết định giảm giá sốc, năm 2009 là 40% và năm 2011 là 20%.

Đến nay, giới đầu tư lại càng bất ngờ hơn khi công ty này tuyên bố “đầu hàng” lĩnh vực này, cùng với đó là bán hết các dự án thủy điện. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào 19.8 mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố tái cấu trúc HAGL một lần nữa.

HAGL xác định không đầu tư thêm vào BĐS ở Việt Nam, và tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi Tập đoàn, chỉ giữ lại dự án BĐS ở Myanma; Thu hẹp ngành khoáng sản; Bán hết các dự án thủy điện…điều này sẽ giúp HAGL giảm được nợ vay tính đến hết tháng 6.2013 từ 14.595 tỉ đồng xuống 12.339 tỉ đồng.

Ông Đức đưa ra lý do “đầu hàng” BĐS Việt Nam là vì “càng làm càng lỗ”, HAGL nhìn nhận BĐS Việt Nam trong vài năm tới không có cơ hội phục hồi. Đã có nhiều quan điểm, cách nhìn về vấn đề này, có người cho đó là cách làm thiếu chuyên nghiệp, có người cho đó là điều lạ,…

Vậy vì sao bầu Đức lại “bỏ” BĐS Việt Nam, và tìm đến miền đất hứa Myanma, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng –Nguyên thành viên HĐQT của HAGL. Ông Lê Hùng cũng là chủ tịch HĐQT của HAGL Land từ tháng 1-2013, ông còn được biết đến như người tiên phong về phát triển BĐS ở Myanma của HAGL.

Thưa ông, gần đây thị trường địa ốc rất bất ngờ với tuyên bố của HAGL là dừng đầu tư vào BĐS Việt Nam, phải chăng với HAGL bất động sản Việt Nam không còn cơ hội nữa?

Ông Lê Hùng: Chúng ta là người kinh doanh thì thấy ở đâu có lời là đầu tư. Cách đây 5 năm tôi đã nhìn thấy được thị trường BĐS Việt Nam, do đó, HAGL đã bước sang đất nước Myanma khi mà tất cả mọi người chưa ai nghĩ đến.Vì thấy trước được nên họ (HAGL –PV) đã định lượng được BĐS Việt Nam sẽ chậm lại do những yếu tố khách quan có, chủ quan có. Điều này làm cho BĐS Việt Nam không biết bao giờ mới có thể phục hồi lại.

Ý của tôi phục hồi ở đây là nhà đầu tư bỏ tiền ra làm BĐS phải có lời, người mua nhà bỏ tiền ra mua phải có được giá hợp lý chứ không phải giá “trên trời”, chủ đầu tư cũng không phải bán tháo, chấp nhận lỗ. Đó mới là thị trường tốt.

Còn ở Việt Nam, với cách làm như vậy khó có thể có thị trường ổn định. Vì thế, mà HAGL đã quyết định dừng đầu tư BĐS ở Việt Nam để tập trung vào chỗ có thể sinh lời.

Nghĩa là những dự án đã hoàn thành thủ tục thì sẽ giữ gìn và không phát triển, và cũng không mua thêm đất trong giai đoạn này. Nếu tiếp tục đầu tư nữa mà chào bán ra thị trường thì rất chậm vì thế quyết định dồn vốn để đầu tư vào thị trường Myanma.

Vậy theo ông việc đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam là không còn cơ hội?

Ông Lê Hùng: Tôi cho rằng với thị trường như hiện nay mà đầu tư vào mảng căn hộ dường như không còn sinh lời nữa. Ai làm tiếp, hoặc ai dừng lại thì tùy thuộc vào từng chiến lược của công ty đó.

Ở VN hiện nay thị trường đã có quá nhiều ý kiến, quá nhiều nhận định, quá nhiều thông tin mà chưa thực chính xác.

Vậy còn thị trường Myanma thì sao, thưa ông?

Ông Lê Hùng: Hiện nay thương hiệu HAGL ở Myanma rất tốt và có thể phát triển mạnh. Ngoài dự án 8ha ở Yongon, hiện HAG đang đàm phán với Chính phủ Myanma và một số đối tác, nhà đầu tư ở Myanma, tới đây có thể công bố thêm một số dự án nữa ở Myanma.

So với giá hiện nay ở Myanma đang bán, sự an toàn của nhà đầu tư còn rất cao, có thể sống được ở đó khoảng 5 năm nữa. Nếu không nắm bắt được cơ hội này thì thị trường cũng có thể chậm đi.

Một số quan điểm về chiến lược “rút” khỏi BĐS của HAGL


1. T.S Phạm Sỹ Liêm: “Thứ nhất, HAGL đánh trống trước khi rút là để khẳng định rằng tôi vẫn mạnh khỏe, vẫn giàu có, chẳng qua tôi rút là vì thị trường nó yếu kém nên tôi rút thôi. Đấy cũng là một cách vừa rút vừa giữ thể diện. Thứ hai, HAGL trong bối cảnh đó đã muốn chuyển sang đầu tư thị trường BĐS Myanmar, họ cần rất nhiều tiền nên phải thoái vốn ở thị trường BĐS Việt Nam.”


2. TS. Alan Phan: “Có một điều tôi thấy hơi lạ, là thường thường khi một doanh nghiệp tháo chạy như vậy sẽ im lặng để thị trường không xáo động. La làng lên rồi ông chạy thì có thể gây ra một sự hoang mang lớn cho thị trường và cho đám đông ở xung quanh.”


3. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Cty Đất Lành: “Tôi cho rằng đây không phải là một hướng đi thông minh mà là một hướng đi thiếu chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là phải sống chết với nghề và biến khó khăn trong nghề đó thành một loại sản phẩm khác, chứ không phải bỏ chạy."


4. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội: “Thể hiện một chiến lược, sự cơ cấu lại cho hợp lý trong lúc thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn.”

(tổng hợp)


Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên