Những nguồn tiền nào sẽ “đổ” vào thị trường BĐS trong năm 2014?
Năm 2014, tín dụng BĐS dự báo sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung.
Theo đánh giá, năm 2013, giá bất động sản (BĐS) và tình hình thị trường BĐS có nhiều diễn biến trầm lắng. Một số dự án đã bị đổ vỡ, một số dự án đã bị thu hồi. Nhiều doanh nghiệp lớn phải tái cấu trúc cả về số lượng dự án, quy mô dự án và giá thành sản phẩm… Một số doanh nghiệp lớn đã phải thoái vốn khỏi các dự án lớn. Tuy nhiên chưa có sự đổ vỡ lớn, dây chuyền trên thị trường BĐS.
Nhân dịp năm mới 2014, hãy cùng Tiến sĩ Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tìm hiểu về những nhân tố tác động tới diễn biến của giá BĐS, thị trường BĐS Việt Nam trong năm nay:
Nguồn vốn đầu tư công
Theo Tiến sĩ Trần Kim Chung, năm 2014 luồng đầu tư từ vốn đầu tư công sẽ không có đột biến đáng kể nhưng sẽ ổn định vững chắc hơn năm 2013 do nền kinh tế đã đi vào thế ổn định.
Nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp BĐS
Năm 2014, sự phân hóa trong các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục thể hiện. Những doanh nghiệp thực hiện tốt việc tái cấu trúc hoặc mạnh dạn cắt bỏ các dự án, những bộ phận hoạt động không hiệu quả, những khoản nợ xấu sẽ quay trở lại thị trường.
Một số doanh nghiệp không xử lý được sẽ phải rời bỏ thị trường. Tổng lượng vốn của tự bản thân các DN có thể không đổi trên bình diện tổng quát nhưng thị trường thì được hưởng lợi do những lượng vốn này đã đi vào thực chất.
Kênh huy động vốn đầu tư BĐS dựa trên tiền gửi ngân hàng
Năm 2014, kênh huy động vốn dựa trên tiền gửi NHTM sẽ phát triển mạnh mẽ. Tín dụng BĐS dự báo sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung.
Thực tế của năm 2013 cho thấy, đến thời điểm 30/6/2013 dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 242.804 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2012 (trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cùng kỳ tăng 4,5%). Tỷ lệ nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là 6,4%.
Do đó, năm nay luồng vốn từ hệ thống NHTM vào thị trường BĐS sẽ tốt hơn năm 2013, trong đó có một số lý do kỳ vọng giải ngân của NHTM tăng trong thời gian tới.
Thứ nhất, hệ thống NH cũng đứng trước sức ép phải cho vay để cân đối nguồn vào – ra của hệ thống.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng gây áp lực giải ngân của hệ thống ngân hàng. Nếu tiếp tục thắt chặt tín dụng với thị trường BĐS, số doanh nghiệp BĐS lâm vào tình trạng khó khăn sẽ tăng lên. Hệ quả kéo theo là không chỉ bản thân các doanh nghiệp BĐS mà cả các ngân hàng có dư nợ BĐS lớn cũng sẽ khó khăn. Vì vậy, dự báo một lượng tiền lớn sẽ được giải ngân trong những tháng cuối của năm 2014.
Hơn nữa, gói 30.000 tỷ dự báo nhiều khả năng sẽ được khơi thông. Giải ngân của gói hỗ trợ này trong năm 2014 chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2013.
Nguồn vốn từ thị trường chứng khoán
Dự kiến năm nay thị trường chứng khoán sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Đặc biệt, quy định về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu tối đa đến 60% cổ phần có quyền biểu quyết tại các doanh nghiệp niêm yết đủ điều kiện.
Việc dự kiến mở rộng tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm nguồn vốn có yếu tố nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Tác động phái sinh là thị trường BĐS sẽ được hỗ trợ bổ sung một lượng vốn từ thị trường chứng khoán, tuy không nhiều nhưng dự báo sẽ tốt hơn năm trước.
(Còn tiếp...)
Khánh Linh