MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàn giao dịch bất động sản sẽ sống khỏe?

Nói là giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn nhưng thực tế để bán hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải bỏ kinh phí để xây dựng một đội ngũ bán hàng, tư vấn của riêng.

Tóm tắt:

-Nhiều đồn thổi cho rằng thời điểm ngày 1/7/2015 khi Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc các sàn giao dịch BĐS cũng “cáo chung” theo quy định các giao dịch không nhất thiết phải thông qua sàn. Tuy nhiên, các ông chủ nhiều sàn giao dịch lại cho rằng đây mới là thời điểm môi giới BĐS phát triển nhất.


Không có nhiều thay đổi

Theo như lời ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, các giao dịch BĐS trên thị trường không nhất thiết phải thông qua sàn sẽ không tạo ra nhiều thay đổi lớn trên thị trường BĐS trong thời gian tới. Các khách hàng mua nhà giờ chỉ biết tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, hoạt động bài bản và đảm bảo cung ứng cho khách hàng những sản phẩm nhà ở đạt chất lượng cao.

“Ngay sau khi có những thông tin về quy định này, qua tham khảo ý kiến khách hàng, chúng tôi nhận thấy rằng giao dịch nhà ở qua sàn vẫn được tin tưởng cao. Với quy định này, sắp tới có sự thay đổi lớn nhất cũng chỉ là sự sàng lọc những nhà môi giới làm ăn thiếu chuyên nghiệp, làm ăn lôm côm”, ông Thanh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng Giám đốc TechcomReal, thì cho rằng Luật kinh doanh BĐS lần này được xem là cơ hội để cứu vớt thị trường BĐS Việt Nam. Với những điểm mới được quy định, khi đi vào thực hiện đầy đủ, sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mạnh, làm ăn chân chính phát triển, và cũng góp phần thanh lọc rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chộp giựt, còn được gọi là kinh doanh theo kiểu "tay không, bắt giặc".

"Nói là giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn nhưng thực tế để bán hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải bỏ kinh phí để xây dựng một đội ngũ bán hàng, tư vấn của riêng. Chi phí này chắc chắn cao hơn so với nhờ qua sàn sẵn có, nhưng đội ngũ này không chuyên nghiệp bằng nhân viên các sàn. Sự kết nối giữa các bên liên quan như luật sư, ngân hàng, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng yếu thế, kém đa dạng, phong phú hơn", ông Thanh cho hay.

Ông Thanh cũng phân tích thêm rằng cuộc sống ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có sự phân công xã hội rất rõ nét. Từ đó cho thấy, các nhà phát triển dự án cần tập trung xây dựng dự án để đúng cam kết và đảm bảo chất lượng, việc đầu ra cho sản phẩm hãy để các nhà môi giới BĐS giải quyết. Việc mua bán nhà không phải qua sàn sẽ xuất hiện một lớp nhà đầu tư mới. Đó là các công ty môi giới BĐS có có thị trường sẽ chuyển sang đầu tư dự án để phân phối trực tiếp đến tay khách hàng.

Một đại diện của công ty M.I.K cho rằng nếu chủ đầu tư tự bán hàng, họ chỉ có một nguồn đối tượng khách hàng nhất định và để bán được hàng, kéo khách về phía mình phải biết chiều ý khách. Do vậy, nếu chủ đầu tư cứ chạy theo tư vấn, thương thuyết với từng khách hàng một thì không làm tròn trách nhiệm của mình là một nhà phát triển dự án. Bản chất giao dịch BĐS không qua sàn hay qua sàn đều không có gì thay đổi, vì cuối cùng chủ đầu tư cũng phải làm các nghĩa vụ tài chính để có giấy tờ nhà cho người mua.

Nên để các hiệp hội cấp chứng chỉ môi giới BĐS

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng thời điểm sau ngày 1/7/2015 thị trường bất động sản trong nước mới thật sự sôi động, tính cạnh tranh sẽ cao hơn và dòng vốn đầu tư từ các nước sẽ tăng mạnh.

“Trong đó, lĩnh vực môi giới bất động sản sẽ bước vào thời kỳ hoạt động chuyên nghiệp hơn. Chúng ta sẽ thấy rõ một sự sàn lọc thật sự từ trong các nhà môi giới, theo đó ai hoạt động chuyên nghiệp, cung cấp sản phẩm chất lượng và tạo niềm tin cho khách hàng mua nhà sẽ chiếm lĩnh được thị trường”, ông Châu nói.

Khi được hỏi về việc làm thế nào để hoạt động môi giới trở nên chuyên nghiệp, không còn tình trạng cạnh tranh bát nháo, ông Châu cho rằng các hiệp hội bất động sản nên được giao trách nhiệm đứng ra tổ chức kỳ thi sát hạch để cấp chứng chỉ môi giới bất động sản thay cho Bộ Xây dựng sẽ hợp lý hơn. Chứ không thể tiếp tục vận hành theo cách mà từ nhiều nay Bộ Xây dựng đang làm, tức là gơm về một mối. Cũng theo ông Châu, việc làm trên sẽ giúp tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức hiệp hội. Bộ Xây dựng chỉ nên là cơ quan kiểm tra, giám sát các hiệp hội tổ chức các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ này.

Theo đó, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư  về môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, nhằm hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Dự thảo này cho thấy, cơ quan tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới là Bộ Xây dựng. Do đó, Hội đồng thi sát hạch, quy chế thi…sẽ do bộ này thành lập, quyết định.

Ông Châu cho biết thêm việc giao công việc trên cho các hiệp hội trong ngành bất động sản, có thể là hiệp hội bất động sản ở các tỉnh, thành hoặc hội môi giới BĐS vừa được thành lập, sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì hiện nay, ở các nước tiên tiến, các hiệp hội nghề nghiệp bất động sản sẽ đứng ra tổ chức các kỳ thi sát hạch này.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Savills Việt Nam, cho biết: “Nhằm có thể tránh được sự làm ăn chụp giật trong giới môi giới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những nghiên cứu để cho ra đời các chính sách, quy định nhằm phát triển và chế tài việc cạnh tranh không lành mạnh của các nhà môi giới BĐS. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản chỉ nên thực hiện cơ chế giám sát, thanh kiểm tra và giao trách nhiệm đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề về cho các đơn vị liên quan cấp dưới”.

Đăng Khôi

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên