MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ bùng nổ nguồn cung nhà ở xã hội

Đến 2015, nhu cầu về nhà ở xã hội ước tính cần 700.000 căn, hiện nay tại Hà Nội và Tp.HCM đã có gần 40 dự án nhà thương mại xin chuyển sang nhà xã hội với quy mô khoảng 20.000 căn.

Làn sóng đầu tư nhà ở xã hội đã bắt đầu khi những quyết sách ưu đãi đã được Chính phủ thông qua, và sẽ có hiệu lực trong thời gian ngắn sắp tới. Đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng đang là hướng đi “cứu cánh” cho nhiều DN kinh doanh BĐS khi dự án nhà ở thương  mại gặp vấn đề về thanh khoản.

Nhu cầu lớn

Theo rà soát của Bộ Xây dựng, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và khoảng trên 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở ổn định.

Để đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở này, chúng ta cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Theo dự báo của Bộ Xây dựng nhu cầu về nhà ở của công nhân KCN tăng thêm khoảng 200.000.

Nhu cầu về nhà ở xã hội ở một số địa phương

Nguồn: Bộ Xây dựng

Cũng theo Bộ Xây dựng, riêng tổng hợp nhu cầu ở 25 Bộ, ngành tại Hà Nội đã lên khoảng 30.000 căn. Một số địa phương đặt mục tiêu phát triển nhà ở từ 2012 -2015 như Hà Nội đưa ra kế hoạch xây 100.000 căn hộ, Tp.HCM là 67.000 căn,…

Nguồn cung sẽ bùng nổ

Đầu tư dự án nhà ở xã hội doanh nghiệp sẽ được miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế TNDN còn 10%, được vay vốn lãi suất 6%/năm trong 5 năm,…do đó, nhiều doanh nghiệp đang “chạy đua” để xây mới dự án nhà xã hội hoặc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sẵn có.

Bên cạnh đó, về phía nguồn cầu, Chính phủ cũng tạo nhiều ưu đãi cho người mua nhà ở phân khúc này như giảm thuế VAT, cho vay lãi suất 6%/năm trong 10 năm,…

Theo con số thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có 58 dự án dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 9000 tỷ).

Nhiều dự án nhà ở xã hội có ý nghĩa thiết thực, và có quy mô lớn đã và đang được triển khai như Becamex IDC Corp đang triển khai tại Bình Dương với quy mô lên tới 64.000 căn, hiện đã hoàn thành được 4.700 căn.

Dự án tại Nhơn Trạch, Đồng Nai do IDICO – Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư với quy mô dự kiến 20.000 căn (trước mắt đầu tư 3.600 căn).

Trong thời gian cuối tháng 5 năm 2013 đến tháng 6/2013 sẽ có 6 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng mới. Ngày 28/5 dự án khu nhà ở Tây Nam Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư đã được động thổ xây dựng, dự án này có quy mô 1.037 căn với 9 tòa nhà chung cư.

Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội khác cũng sắp khởi công như dự án tại khu đô thị C.E.O Quốc Oai, dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội tại Đặng Xá, Hoàng Quân Plaza, dự án tại Tp. Quy Nhơn do Tổng công ty FICO làm chủ đầu tư, dự án nhà ở xã hội tại thành phố Vinh,…

Bỏ thương mại sang xã hội

Nắm bắt được thực trạng khó khăn của phân khúc nhà ở thương mại đang được cảnh báo là dư thừa, nhiều đơn vị đã nhanh chân xin chuyển đổi sang dự án nhà xã hội theo chủ trương, chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Hiện tại, ở Tp.HCM chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại đề nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô hơn 100 căn, nhưng có tới 20 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 10.000 căn.

Tại Hà Nội, có 6 dự án nhà ở thương mại đề nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô 3.500 căn, có tới 19 dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 10.000 căn. Đến nay, Thành phố HN đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án, còn lại 15 dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra.

Tại Đồng Nai, có 2 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 1000 căn.

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản chủ yếu tập trung vào mảng phân khúc nhà ở giá bình dân, và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại nguồn cung loại căn hộ này khá thấp. Dự kiến trong vòng khoảng 1 năm nữa khi những dự án quy mô lớn đủ điều kiện tung ra thị trường, thì đây sẽ là một nguồn cung khá mạnh cạnh tranh với phân khúc nhà ở thương mại.

Đây cũng là chủ trương của Chính phủ có ý nghĩa thực tiễn trong Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020. Hiện phân khúc nhà ở cao cấp, diện tích lớn đang dư thừa thì việc cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là phù hợp với thị trường hiện nay, và nhu cầu của người dân.

Kiều Thuật

 

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên