MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có thêm NHTMCP tham gia gói 30 ngàn tỷ

Chiều 21/1, BIDV đã tổ chức buổi thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).

Sự có mặt của đại diện Bộ Xây dựng, NHNN, Ban Kinh tế trung ương và các DN kinh doanh BĐS đã khiến buổi thảo luận rất hiệu quả khi nhiều kiến nghị, đề xuất được các bên tham gia, góp ý, thậm chí giải quyết tại chỗ.

Giá nhà cao, hay tại thu nhập thấp?

Thừa nhận BIDV có nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường và các DN kinh doanh BĐS, song ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BIDV tỏ ra sốt ruột khi cho rằng, thị trường BĐS tuy đã có chuyển biến nhờ hiệu ứng chính sách, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu BIDV, thị trường BĐS hiện có một số tồn tại sau: khuôn khổ pháp lý, chính sách đối với thị trường chưa hoàn thiện; công tác quy hoạch và quản lý thị trường còn yếu; tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu còn diễn ra ở nhiều phân khúc; nguồn vốn cho thị trường BĐS còn hạn chế…

Và đặc biệt, giá BĐS ở mức cao, vượt khả năng của nhiều người. Cụ thể, với mức thu nhập trung bình của công nhân và cán bộ viên chức chưa đến 5 triệu đồng/tháng, thì dù dành ra 11% thu nhập trong vòng 20 năm họ cũng khó có khả năng mua được nhà (giá trị khoảng 400- 500 triệu đồng/căn).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam không đồng tình với quan điểm này, ông nói: Tôi cho rằng, thu nhập của người dân đang quá thấp so với giá BĐS. Chi phí cho 1m2 nhà ở hiện vào khoảng 13-15 triệu đồng/m2, cộng thêm kỳ vọng lợi nhuận của DN khoảng 30% nữa, thì giá nhà ở dưới 20 triệu đồng/m2 là chấp nhận được. Chưa kể hiện đã có DN chấp nhận lợi nhuận chỉ 15%.

“Vì vậy chúng ta phải tìm cách làm cho kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên”. Một vấn đề khác khiến thị trường nhà ở chưa phát triển là tâm lý, tập quán “an cư lạc nghiệp” của người dân Việt Nam. Nếu như ở Mỹ có hơn 60% người dân đi thuê nhà, hay ở Singapore có đến 80% người đi thuê nhà. Trong khi con số này ở Việt Nam là 15%!.

Tăng thời gian cho vay, thêm ngân hàng tham gia

Tại cuộc thảo luận, BIDV đề xuất 3 giải pháp tạo đột phá cho thị trường BĐS: Thứ nhất, gia tăng nguồn vốn cung ứng cho BĐS, trong đó tập trung vào các dự án lớn, sắp hoàn thiện; đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực BĐS. Thứ hai, tái cơ cấu sản phẩm tập trung vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, từng bước giảm mặt bằng giá BĐS. Thứ ba, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư…

Cụ thể, BIDV kiến nghị Chính phủ nên chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, đang xây dựng dở dang được vay vốn gói 30 ngàn tỷ. Đối với người dân, Bộ Xây dựng nên cho phép người mua nhà ở xã hội được nhận ngay Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận này.

Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản đồng ý cho một số DN xây nhà ở thương mại đáp ứng những điều kiện trên được vay vốn gói 30 ngàn tỷ. Nhưng Bộ không đồng ý cho phép người mua nhà ở xã hội bán nhà ngay, mà phải để ít nhất sau 5 năm. “Chúng tôi đã đồng ý rút từ 10 năm xuống 5 năm. Nếu cho bán ngay vô hình trung chúng ta đã tạo điều kiện cho người đầu cơ BĐS” - ông Nam nói.

BIDV cũng đề xuất nên tăng thời gian cho vay gói 30 ngàn tỷ lên 15 đến 20 năm; điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với DN ở mức cao hơn; giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay (hiện đang là 5%/năm); và lựa chọn thêm TCTD tham gia giải ngân gói 30 ngàn tỷ…

Trả lời những kiến nghị này, ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết: Hiện đã có một số NHTMCP đề nghị được tham gia gói 30 ngàn tỷ, NHNN đang xem xét và sẽ sớm có quyết định chính thức. Và thời hạn cho vay cũng có thể được tăng lên, nhưng trước mắt lãi suất cho vay khó giảm thêm vì hiện đã ở mức thấp hơn 50% so với lãi suất cho vay thông thường khác.

Một thông tin rất đáng quan tâm là sau khi NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp thảo luận, thống nhất, tới đây một Thông tư hướng dẫn về thế chấp, giải chấp tài sản sẽ được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết các tranh chấp cũng như xử lý nợ xấu liên quan đến BĐS.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành văn bản pháp lý về xác nhận mua, bán nhà ở xã hội. “Thay vì hai con dấu của cơ quan và chính quyền địa phương trong một bộ hồ sơ, thì sẽ còn một con dấu. Người đi làm ở cơ quan thì chỉ cần xác nhận về mức thu nhập; người không đi làm ở cơ quan chỉ cần UBND phường xác nhận về điều kiện nhà ở…”, ông Nam cho biết.

Theo Thái Thanh

ngatt

Thời Báo Ngân Hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên