MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng” M&A bất động sản phía Tây Thủ đô và thế lực mới bắt đầu lộ diện

Thị trường M&A bất động sản đang diễn ra khá sôi động, đặc biệt là tại Tp.HCM và Hà Nội. Số lượng chủ đầu tư ít đi sau quá trình thanh lọc của thị trường nhưng đó lại là một thế lực mới.

Sau giai đoạn khủng hoảng, dường như thị trường bất động sản đang bước vào một chu kỳ mới, một “cuộc chơi” mới quy củ và minh bạch hơn. Một nhóm mới đang dần lộ diện tạo nên thế lực mới trên thị trường địa ốc, sẽ ngày càng sáng tỏ hơn trong thời gian tới.

Câu chuyện thâu tóm những dự án đẹp, khu “đất vàng” ở những khu nội đô chưa khi nào hết “nóng”, vẫn luôn là mối quan tâm của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản. Ngay cả một công ty vốn dĩ đã sở hữu nhiều mảnh đất độc nhất vô nhị ở Thủ đô Hà Nội như Tân Hoàng Minh cũng đang phải gồng mình hoàn tất thủ tục pháp lý trong hàng chục năm nay nhưng mối quan tâm sở hữu đất vàng vẫn luôn thường trực ở công ty này.

Theo chia sẻ của đại diện Tân Hoàng Minh phải mất 7 năm đến nay họ mới được chấp thuận quy hoạch dự án Hàng Bài cao 8 tầng, dù công ty đã có đất sạch từ năm 2009 nhưng vẫn không thể xây dựng vì vướng Luật Thủ đô, vướng quy định về nhà cao tầng trong nội đô, về quy hoạch tàu điện ngầm.

Đại diện Tân Hoàng Minh cho rằng để có được 8 tầng đó, phải thảo luận rất nhiều nơi, cần có 27 chữ ký đồng thuận, chỉ riêng khâu quy hoạch đã mất 14 bước với rất nhiều các văn bản khác nhau; Hay dự án Quảng Am của công ty này đã nộp tiền sử dụng đất từ 1995 nhưng đến nay cũng mới xong phương án tổng mặt bằng vì phải chờ quy hoạch phân khu Hồ Tây được duyệt,…

Tuy vậy, việc sở hữu dự án đất vàng nội đô thì Tân Hoàng Minh dường như vẫn không bỏ qua. Nhiều dự án vẫn còn đang dang dở nhưng mới đây có thông tin cho rằng công ty này chuẩn bị có thêm một dự án mới trên đường Đại Cồ Việt. Xác nhận thông tin này phía Tân Hoàng Minh khẳng định “đang rất quan tâm”.

Nhìn vào những khu vực trung tâm mới đang có tốc độ phát triển cao như Mỹ Đình, Cầu Giấy…những dự án BĐS dọc trục vành đai 3 ở phía Tây đang được chuyển nhượng khá nhiều. Có thể kể tới như thương vụ Sky Park Residence (Cầu Giấy) 285 tỷ, thương vụ Ion Complex (136 Phạm Hùng) 198 tỷ, thương vụ Vingroup mua lại BĐS Hồng Ngân trị giá 1.286 tỷ để sở hữu dự án Thành phố Xanh 17,6ha tại Mỹ Đình 1, tập đoàn này cũng vừa thâu tóm thành công 70% cổ phần Ocean Retail…

Khu vực này sẽ tiếp tục có những thương vụ mới. Chẳng hạn Sohovietnam đang tham gia tư vấn chuyển nhượng 5000m2 trên đường Nguyễn Xiển bằng hình thức chuyển nhượng 75% cổ phần cho đối tác mới nhằm triển khai dự án tháp đôi 27 tầng cung cấp khoảng 450 căn hộ. Tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ; Dự án Castle Plaza (136 Hồ Tùng Mậu) sẽ đổi chủ để xây dựng một khu Tổ hợp nhà ở với 9 tòa chung cư cao 40 tầng, và khu văn phòng, thương mại, trường học…

Dự báo về điều này, ông Trần Như Trung, Phó TGĐ Tân Hoàng Minh cho rằng năm 2015 sẽ có hàng loạt dự án ở những vị trí cơ sở hạ tầng có sẵn như khu dọc vành đai 3 chắc chắn sẽ được kích hoạt. Bởi lẽ bản chất nhiều dự án đã đổi chủ, đã có dòng tiền mới, một lối chơi mới.

 “Tôi đã thấy thị trường có tín hiệu tốt, một “nhóm mới” đã xuất hiện và tôi tin nhóm này sẽ làm các dự án một cách bài bản, chứ không chộp giật như xưa. Tôi đã thấy có dòng tiền mới bắt đầu vào thị trường. Thị trường địa ốc đang bước vào giai đoạn tích lũy cho chu kỳ mới.” Ông Trung nói.

Thị trường bất động sản đã thanh lọc đáng kể các chủ dự án “tay không bắt giặc”, vì thế, số lượng đơn vị phát triển dự án hiện chỉ có một vài cái tên quen thuộc như Vingroup, Viglacera, Tân Hoàng Minh, Hải Phát, Mường Thanh, Hòa Phát, Udic,…Nhìn vào những thương vụ gần đây, một số cái tên có thể sẽ là “nhân tố mới” cho thị trường thời gian tới như FLC Group, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, hay như Tập đoàn VID…

>>>"Bật mí" của một “siêu cò” giao dịch thành công 23 thương vụ M&A bất động sản

>>>“Sóng ngầm” mua bán dự án bất động sản tăng tốc

Gia Bảo

thuatkv

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên