MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng ngầm” M&A bất động sản

M&A bất động sản 2013 được dự báo cung cầu vẫn rất lớn, đặc biệt khi giá tài sản xuống thấp, nhưng yếu tố quyết định cho giao dịch thành công vẫn là định giá và pháp lý.

Năm 2012 thị trường M&A Việt Nam ghi nhận khoảng 157 thương vụ với tổng trị giá lên đến 4,95 tỷ USD, trong đó bất động sản được ghi nhận khoảng 35 thương vụ, chủ yếu là sự thâu tóm của các DN trong nước. Bước sang 2013, thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều thương vụ lớn, con "sóng ngầm" M&A bất động sản dường như đã bắt đầu.

Những cái “bắt tay” hoành tráng

M&A bất động sản 2013 vẫn đang âm thầm con “sóng ngầm”, thị trường những tháng vừa qua ghi nhận nhiều thương vụ có giá trị rất lớn điển hình như Vincom Centre A, Park City,…

Đầu năm 2013, thị trường bất ngờ với thông tin đối tác nước ngoài của dự án Park City Hà Nội là Perdana ParkCity (thuộc Tập đoàn Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia) công bố sở hữu toàn bộ 100% dự án này.

Để trở thành ông chủ toàn bộ dự án Perdana ParkCity đã mua lại 40% từ đối tác trong nước là Vinaconex –Hoàng Thành, nâng vốn sở hữu 100% tại Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Nam (VIDC), chủ đầu tư ParkCity. Park City là dự án lớn nằm ở quận Hà Đông có diện tích quy hoạch 77ha với tổng số trên 7000 căn nhà, trong đó 952 căn biệt thự và trên 6000 căn hộ chung cư, 1 TTTM 3ha và trường học 5,7ha, công viên 11ha,…

Đầu quý 2 vừa qua, thị trường cũng xôn xao với thông tin Gemadept Tower được bán cho đối tác khác với trị giá khoảng trên 40 triệu USD. Tuy nhiên, Gemadept đã phủ nhận thông tin này và cho biết, công ty này có chủ trương bán và đã có một số đối tác quan tâm đặt mua nhưng chưa ký hợp đồng chính thức. Tại ĐHCĐ 2013, Gemadept cho rằng, nếu suôn sẻ thì công ty sẽ nhận khoản tiền bán tòa nhà này vào quý 4/2013 với giá thị trường từ 40-45 triệu USD.

Thương vụ ấn tượng nhất 2013 là dự án Vincom Centre A được Vingroup chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD). Thông tin này đã được Vingroup chính thức công bố vào đầu tháng 6 vừa qua. Tổng giá trị của thương vụ này xấp xỉ gần 10.000 tỷ đồng, đây được xem như thương vụ lớn nhất từ trước đến nay. Theo Vingroup, việc chuyển nhượng thành công dự án này đã đem về cho Tập đoàn khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 4.300 tỷ đồng.

“Sóng ngầm”

Bên cạnh những “gã khổng lồ” được chuyển nhượng, thị trường M&A còn đón nhận nhiều giao dịch khác trong những ngày gần đây. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, một dự án khu vực trung tâm Hà Nội vừa được chuyển nhượng thành công, với tổng giá trị 200 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Lotte-một tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc vẫn đang âm thầm thâu tóm những mặt bằng bán lẻ đắc địa tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Điển hình nhất là vụ thâu tóm lại dự án Hanoi City Complex từ Coralis Việt Nam vào năm 2009 và đã khởi động lại dự án 65 tầng với tổng mức đầu tư 400 triệu USD này, đến nay công trình đang dần hoàn thiện và sắp cất nóc tòa nhà. Tổng diện tích mặt sàn của công trình này lên đến 250.572m2. Cuối 2012, Lotte cũng đã mua lại 20% cp tại Minh Vân để sở hữu 100% tại Lotte Mark ở quận 7 và tại tòa nhà The EverRich.

Theo báo cáo về M&A 2013 của công ty StoxPlus, Lotte đã có kế hoạch phát triển 60 siêu thị và TTTM ở Việt Nam từ nay đến 2020. Nhiều Tập đoàn bán lẻ lớn khác như Mapletree của Singapore cũng dự định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, hay Aeon của Nhật liên doanh với Him Lam,…

Một số đơn vị phát triển bất động sản trong nước có thế mạnh phát triển các sản phẩm căn hộ bình dân cũng đang đẩy mạnh thâu tóm những “xác chết”, để tiếp tục hồi sinh dự án. Điển hình tại Hà Nội và những thương vụ thâu tóm của đại gia Lê Thanh Thản, ông chủ của những dự án chung cư giá rẻ như Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ và hiện nay là VP5 Linh Đàm,…

Hay tại Tp.HCM Hoàng Quân và Đất Xanh cũng đã chuyển mô hình mua lại các dự án căn hộ, đất nền giá rẻ như Hoàng Quân mua lại Cinderella 2 trong tháng 1/2013. Đầu 2013, Đất Xanh Group mua lại dự án chung cư 3,6ha tại Thủ Đức, và dự án 3,2ha tại Gò Vấp,..

Mới đây, FLC Group, một công ty đang đầu tư nhiều dự án BĐS cũng đã công bố việc BĐS SGInvest đã thoái toàn bộ 62,38% CP tại FLC, tuy nhiên, đối tác nhận chuyển nhượng thì không được công bố. Sau khi sáp nhập với FLC Land, hiện nay FLC đang đầu tư vào nhiều dự án lớn nhà resort Hồ Cẩm Quỳ tại Ba Vì, FLC Tower tại Vĩnh Yên, Green City tại Vĩnh Phúc,…

Theo nhận định của Chris Brown, CEO của Cushman&Wakefield (Việt Nam) các nhà đầu tư Châu Á đang rất quan tâm đến tài sản thanh lý của Việt Nam, vì họ hiểu biết nhiều về thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.

Một số nhà đầu tư trong nước cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhân cơ hội thị trường bất động sản trong nước đang giảm, tìm cách thôn tính những dự án của họ trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, theo ông Brown, nhiều nhà đầu vẫn đang chịu nhiều rủi ro ở thị trường này, chịu nhiều tổn thất lớn khi thị trường suy thoái và sẽ không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong ngắn hạn.

Trong một báo cáo về thị trường M&A của Stoxplus nhận định về thị trường này 2 năm tới, cung cầu sẽ vẫn rất lớn, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất lớn đến lĩnh vực bán lẻ, và quan ngại ở dự án nhà ở vì nguồn cung còn rất lớn.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên