Tái cơ cấu VNPT, những vấn đề còn bỏ ngỏ
Nếu “3 anh nhà nước” cứ chơi với nhau, thì các doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục…không có cửa!
- 09-01-2014Chủ tịch VNPT muốn VinaPhone trở lại vị trí số 1
- 27-12-2013Tổng giám đốc VNPT nói về lợi nhuận tăng 4.000 tỷ
- 24-12-2013Lãi hơn 35.000 tỷ đồng, Viettel 'vượt mặt' VNPT toàn diện
- 03-12-2013Những "cục nợ" của VNPT chuyển sang cho Mobifone
Tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” được tổ chức ngày 14/2/2014, các chuyên gia cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp đã bày tỏ những băn khoăn, trước khi đề án được Thủ tướng xem xét, thông qua. Một điều đáng tiếc, đó là những băn khoăn còn bỏ ngỏ, chưa có một câu trả lời chính xác.
Mấu chốt vẫn là cạnh tranh
Ở nhiều góc độ nhìn nhận, các chuyên gia đều nhất trí thông qua, một thị trường viễn thông cạnh tranh thực sự là cái đích cuối cùng của việc tái cơ cấu ngành. Không nói đến việc tái cơ cấu có lợi cho ai, VNPT, Bộ TTTT, Mobifone, Viettel…, mục đích tối thượng vẫn là lợi ích của khách hàng. Như ông Võ Trí Thành nói vui, suy cho cùng, quyền lợi của khách hàng không phụ thuộc vào…đức hạnh của doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Khách quan mà nói, cạnh tranh là điều mà nhiều đối tượng mong đợi. Nhưng, trên thực tế, với những đối tượng vẫn còn hưởng lợi từ thị trường độc quyền, họ đều muốn “nó trừ mình ra”.
Để cạnh tranh, thế chân vạc 3 doanh nghiệp viễn thông bao gồm Viettel – VNPT – Mobifone là chưa đủ. Cần ít nhất 1 trong 3 “chân vạc” nói trên phải thuộc chủ sở hữu khác, không phải là Nhà nước. 1 trong 3 doanh nghiệp đó là Mobifone. Cổ phần hóa Mobifone trở thành một phương tiện đi đến một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa trong lĩnh vực viễn thông, một trong 2 lĩnh vực được xếp loại “nhạy cảm” (cùng với ngân hàng tài chính).
Mobifone liệu có đủ mạnh?
Câu hỏi đặt ra khi VNPT lựa chọn Mobifone để tách ra, chứ không phải bất kỳ doanh nghiệp nào khác, rằng liệu Mobifone có đủ mạnh khi tách ra khỏi VNPT. Nhất là khi Mobifone được cho là phải gánh theo đủ “xương xẩu” của VNPT.
Một khi Mobifone yếu đi, thì thế chân vạc mà thị trường trông đợi trở nên không còn ý nghĩa.
Tuy nhiên, cổ phần hóa không phải là câu chuyện…thu tiền. Bên trong việc cổ phần hóa, đó là những biến đổi nội tại từ phía trong doanh nghiệp. Cổ phần hóa sẽ giúp Mobifone cải cách trong quản lý, trong công nghệ… Và vì vậy, có quyền hi vọng sự mạnh lên của Mobifone nếu được “ra riêng”.
Cổ phần hóa Mobifone, room dành cho NĐTNN là bao nhiêu?
Hiện tại chưa có phương án cụ thể, nên câu trả lời cho câu hỏi trên, nói thẳng ra, là chưa có. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Hải, cục trưởng Cục Viễn thông – theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu 49% vốn trong các doanh nghiệp hạ tầng. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán gia nhập TPP, tỷ lệ trên có thể thay đổi phụ thuộc vào kết quả chính thức của cuộc đàm phán.
Về thời gian hoàn tất cổ phần hóa Mobifone, ông Võ Trí Thành hi vọng có thể trong 2 năm. Tất nhiên, đó chỉ là có thể. Còn nhiều gian nan và biến động trên con đường mang tên cổ phần hóa nói trên. Chính phủ cho rằng, cổ phần hóa trong 3 năm là chậm. Vậy thì 2 năm!
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp nhỏ?
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn CMC cho rằng, hiện có quá ít cơ hội cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường viễn thông đầy tiềm năng.
Thị trường viễn thông Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh, nhưng theo ông Chính là thiếu 2 chữ cực kỳ quan trọng: Tự do và theo quy luật kinh tế thị trường.
Nhìn ở góc độ cạnh tranh theo quy luật kinh tế thị trường. Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn tình trạng độc quyền, xét về tỷ trọng doanh số toàn thị trường. Tại sao các doanh nghiệp viễn thông mới, như Gtel và đối tác Beeline, HTMobile với đối tác cực mạnh Hutchison… cứ vào Việt Nam là…thua?Đó là một biểu hiện "rất chưa ổn", ông Chính nhận định. Vậy, cơ hội nào cho các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước, như CMC?
Giá cước viễn thông hiện nay được cho là rất rẻ. Nhưng có phải là giá cạnh tranh hay không, lại là một câu chuyện khác. Khi mà người ta có thể đưa các tiềm lực ở mảng khác sang hỗ trợ cho mảng viễn thông, thì giá cước sẽ vẫn tiếp tục rẻ như thế, và là rào cản cực lớn đối với các doanh nghiệp mới.
Nếu “3 anh nhà nước” cứ chơi với nhau, thì các doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục…không có cửa – Ông Nguyễn Trung Chính tỏ ra lo lắng.
Theo Minh Thư